Mỹ thử tên lửa sau INF - “Phát súng khởi đầu” cho cuộc chạy đua vũ trang

21/08/2019 09:55 AM


Việc Mỹ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất được cho là phát súng đầu tiên “khơi mào” một cuộc chạy đua vũ trang mới khiến cả thế giới lo ngại.

Việc Mỹ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất được cho là phát súng đầu tiên “khơi mào” một cuộc chạy đua vũ trang mới khiến cả thế giới lo ngại.
>>Mỹ thử tên lửa bay xa 500 km sau khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân

Chỉ hai tuần sau khi chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Mỹ hôm qua tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, vốn bị cấm trước đây, bên ngoài bờ biển phía Tây nước này. Đây được cho là phát súng đầu tiên cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, khiến cả thế giới lo ngại.

Mỹ thử tên lửa sau INF - “Phát súng khởi đầu” cho cuộc chạy đua vũ trang - 1

 

Mỹ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất theo quy ước trên đảo San Nicolas, California ngày 18/8/2019. Ảnh:AP

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua cho biết đã thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất thông thường với tầm bắn hơn 500 km. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, vụ thử nghiệm diễn ra vào cuối tuần trước tại đảo San Nicolas thuộc California, ven biển phía Tây nước Mỹ. Tên lửa được thiết kế mang đầu đạn thông thường, không phải đầu đạn hạt nhân, bắn trúng mục tiêu sau khi bay được hơn 500km.

Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Mỹ sau khi nước này chính thức rút khỏi Hiệp ước INF, khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tổng thống Nga  Vladimir Putin chưa đưa ra bình luận sau vụ phóng của Mỹ, nhưng nhà lãnh đạo Nga mới đây cảnh báo nước này sẽ buộc phải bắt đầu phát triển tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung, nếu Mỹ bắt đầu thực hiện điều này. Nhiều nghị sĩ Nga cũng lên tiếng chỉ trích vụ phóng, cho biết Nga sẽ sớm đưa ra các biện pháp phản ứng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định:

“Theo yêu cầu đưa ra của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 5/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga và các Ủy ban cùng các đơn vị khác đang theo dõi diễn biến chặt chẽ hành động của Mỹ về việc phát triển, chế tạo cũng như triển khai các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung mặt đất. Nếu Mỹ đưa ra các hành động như vậy, Nga cũng sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả toàn diện để đảm bảo an ninh”.

Với vụ thử tên lửa đầu tiên sau nhiều cảnh báo của Nga cho thấy Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch phát triển tên lửa của mình sau khi chính thức rút khỏi INF. Theo nguồn tin Bộ Quốc phòng Mỹ, nước này cũng dự định thử một tên lửa đạn đạo tầm trung vào tháng 11 tới, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper còn tuyên bố Mỹ muốn sớm triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á. Trước các bước đi của Mỹ, Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo. Tổng cục trưởng, Cục Kiểm soát và Giải trừ vũ khí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Cong khẳng định:

Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc Mỹ triển khai các tên lửa  tầm trung tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Và nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ buộc phải đưa ra các biện pháp đối phó mạnh mẽ. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi Mỹ cần kiềm chế và tôi cũng kêu gọi các nước láng giềng không cho phép Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ của mình”.

Mặc dù khẳng định Nga sẽ không triển khai các tên lửa mới, miễn là Mỹ cũng có bước đi kiềm chế tương tự tại châu Âu và châu Á, nhưng Nga cũng đang dần lên kế hoạch cho việc phát triển hệ thống tên lửa mới. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu mới đây đã đặt thời hạn cho các lực lượng chức năng nước này trong 2 năm tới phải tăng tầm bắn của các loại tên lửa đang được phát triển. 

Với INF bị xóa bỏ, thế giới hiện dựa vào 1 thỏa thuận duy nhất Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới theo kiểu chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, hiệp ước START mới cũng sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 và dường như Nga và Mỹ không mấy thiện chí đàm phán gia hạn văn kiện này.

INF hết hiệu lực, START mới có nguy cơ không được gia hạn, không chỉ xóa bỏ những ràng buộc để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới, mà lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ, hai cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ không có khả năng để kiểm soát và xác minh vũ khí lẫn nhau. Trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng giữa Nga và phương Tây hiện nay, bất kỳ bước đi đầu tiên khiêu khích nào cũng sẽ nhân rủi ro, tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới. Giám đốc Viện nghiên cứu về kiểm soát vũ khí tại Mỹ Kingston Reif cho rằng, việc Mỹ thúc đẩy kế hoạch phát triển tên lửa không chỉ gây khó khăn cho xu thế đối thoại giữa Nga và Mỹ, mà còn thúc đẩy khả năng Nga và Trung Quốc thực hiện các bước đi tương tự, đặt ra các mối đe dọa hiện hữu với Mỹ và các đồng minh.

Theo Dân Trí