Điểm nóng Kashmir: Láng giềng khó xử

15/08/2019 08:39 AM


Quyết sách của ông Modi tạo ra tình huống mới về mọi phương diện ở khu vực Kashmir. Thái độ của Trung Quốc và Pakistan ra sao?

Quyết sách của ông Modi tạo ra tình huống mới về mọi phương diện ở khu vực Kashmir. Thái độ của Trung Quốc và Pakistan ra sao?
>>Thủ tướng Ấn Độ: Nền tự trị ở Kashmir nuôi dưỡng "chủ nghĩa khủng bố"
>>Pakistan hạ cấp quan hệ, ngừng thương mại song phương với Ấn Độ giữa căng thẳng Kashmir

Điểm nóng Kashmir: Láng giềng khó xử - 1

 

Kashmir lại nổi lên như một điểm nóng mới trong quan hệ giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc. (Nguồn: India Military News)

Đối với Ấn Độ, quyết định mới đây của chính phủ của thủ tướng Narendra Modi huỷ bỏ những quyền tự trị riêng cho hai vùng Jammu và Kashmir là sự điều chỉnh quan điểm chính sách thuộc diện quan trọng nhất về chính trị đối nội cũng như đối ngoại và luật pháp kể từ khi lập quốc đến nay.

Trung Quốc và Pakistan đều khó xử

Quyết sách này của ông Modi tạo ra tình huống mới về mọi phương diện ở khu vực Kashmir, làm nảy sinh hàng loạt vấn đề mới đối với Ấn Độ và sẽ thách thức cả khả năng lẫn bản lĩnh cầm quyền của ông Modi và đảng BJP. Nó đẩy hai nước láng giềng của Ấn Độ có liên quan trực tiếp đến chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Kashmir là Pakistan và Trung Quốc vào tình thế khó xử.

Kashmir bị tranh chấp chủ quyền giữa 3 nước này. Chiến tranh giữa Trung Quốc và Pakistan với Ấn Độ đã vài lần xảy ra cũng vì thế. Hiện tại, Ấn Độ kiểm soát và quản lý trên thực tế 45%, Pakistan 35% và Trung Quốc 20% lãnh thổ của Kashmir. Ấn Độ và Pakistan đều nêu yêu cầu chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ Kashmir trong khi Trung Quốc đã xử lý với Pakistan chuyện tranh chấp lãnh thổ ở đây và giờ chỉ còn tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ. Quyết sách mới kia của ông Modi làm thay đổi thực trạng pháp lý và hành chính ở vùng lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ quản lý và vì thế liên quan trực tiếp đến Pakistan và Trung Quốc.

Trung Quốc luôn đứng về phía Pakistan trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Kashmir. Cả trong chuyện hiện tại cũng vậy. Điều này không có gì là khó hiểu bởi cả hai đều tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ ở Kashmir nên cùng hội cùng thuyền để liên quân thành "hai đấu một", bởi quan hệ của Trung Quốc với Pakistan xưa nay gắn bó và tin cậy lẫn nhau hơn nhiều so với mức độ quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ, trong khi quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan chưa được hoàn toàn bình thường.

Chủ ý của ông Modi

Pakistan chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Nam Á, đối với thành công của những dự án lớn của Trung Quốc như Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan và Một vành đai, một con đường. Ấy là còn chưa kể đến việc Trung Quốc luôn duy trì và chơi cái gọi là "Con bài Pakistan" trong quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ.

Trong số những mục tiêu ông Modi theo đuổi với quyết sách mới này có chủ ý ngăn cản Trung Quốc và Pakistan sử dụng chuyện Kashmir để gây mất an ninh và ổn định, kích động xung khắc sắc tộc và tôn giáo ở Ấn Độ, có mục tiêu đảm bảo an ninh và chống ly khai, nhưng cũng còn có cả ý định không để cho Trung Quốc và Pakistan tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Kashmir.

Pakistan phản ứng rất quyết liệt và Trung Quốc cũng thể hiện thái độ rõ ràng là lên án quyết sách của ông Modi và ủng hộ Pakistan. Bộ trưởng ngoại giao Pakistan đã vội vàng công du Trung Quốc. Không có gì lạ khi nhu cầu thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trở nên cần thiết và cấp thiết hơn bao giờ hết đối với Pakistan và Trung Quốc. Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ cũng tới thăm Trung Quốc nhưng chuyến đi này đã được thu xếp từ trước khi phía Ấn Độ đưa ra quyết định huỷ bỏ những quyền tự trị sâu rộng cho vùng Jammu và Kashmir.

Thế khó của Trung Quốc

Qua đó có thể thấy Ấn Độ chủ trương "sẵn sàng làm găng với Pakistan và tìm cách xoa dịu với Trung Quốc" và ưu tiên đối phó Pakistan nhiều hơn là ứng phó Trung Quốc trong khi Bắc Kinh ứng phó theo cách riêng chứ không liên thủ với Pakistan để cùng đối phó Ấn Độ.

Cái khó đối với Trung Quốc hiện tại là vừa phải thể hiện thái độ phản đối với Ấn Độ vừa phải tranh thủ Ấn Độ, vừa phải tranh thủ Pakistan vừa không để sự tranh thủ này gây tổn hại thật sự và đáng kể tới quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ.

Đàm phán giữa Trung Quốc và Ấn Độ về biên giới lãnh thổ đương nhiên sẽ khó khăn và phức tạp hơn, vòng đàm phán thứ 23 mà hai bên dự kiến tiến hành vào cuối năm nay chắc sẽ không đưa lại được kết quả gì. Trung Quốc và Pakistan không chỉ sẽ phải định hình lại quan hệ của họ với Ấn Độ mà còn phải tìm đối sách mới cho cuộc chơi địa chiến lược ở khu vực này giờ đã bị chính phủ Ấn Độ làm cho thay đổi khá cơ bản.

Trung Quốc và Pakistan tới đây sẽ làm gì và hành xử như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào việc chính phủ của ông Modi xử lý những vấn đề mới đặt ra ở vùng Kashmir như thế nào, đặc biệt có ngăn ngừa được bạo lực và hỗn loạn hay không, có hoà hợp được giữa người theo đạo Hồi ở Kashmir với những cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác ở Ấn Độ hay không và có thành công được hay không với việc làm cho người dân ở Jammu và Kashmir thật sự tin rằng, tương lai của họ là ở sự hội nhập hoàn toàn vào nhà nước Ấn Độ chứ không phải ở sự tiếp tục các quyền tự trị

Theo Dân Trí