Các công ty Trung Quốc ra nước ngoài làm ăn, tránh thương chiến Mỹ - Trung

28/06/2019 08:36 AM


Các công ty Trung Quốc đã tìm tới các quốc gia có chi phí thấp hơn trong khu vực như Myanmar, Philippines và Việt Nam để mở nhà máy, nhằm tránh các tác động mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Các công ty Trung Quốc đã tìm tới các quốc gia có chi phí thấp hơn trong khu vực như Myanmar, Philippines và Việt Nam để mở nhà máy, nhằm tránh các tác động mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
>>Washington phạt công ty xuất khẩu hàng thông qua Campuchia “lách” thương chiến Mỹ-Trung
>>Nga sẵn sàng khỏa lấp khoảng trống của thương chiến Mỹ-Trung

Các công ty Trung Quốc ra nước ngoài làm ăn, tránh thương chiến Mỹ - Trung - 1

Các công nhân đang làm việc tại một nhà máy của Trung Quốc ở Yangon, Myanmar (Ảnh: Reuters)

Bị áp lực bởi khủng hoảng lao động và tăng lương tại Trung Quốc, ông Shu Ke’an, chủ công ty cung cấp áo chống đạn, túi súng trường và các thiết bị chiến thuật khác tới Mỹ, đã bắt đầu cân nhắc chuyển một số lĩnh vực sản xuất tới Đông Nam Á vài năm trước, nhưng không cương quyết.

Nhưng khi các căng thẳng thương mại bùng phát tránh cuộc chiến thuế quan hồi năm ngoái, đó là giọt nước tràn ly.

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế bổ sung lên 200 tỷ hàng hóa của Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, ông Shu, 49 tuổi, đã quyết định bắt đầu chế tạo áo chống đạn cho các khách hàng Mỹ tại Myanmar.

Kể từ đó, chính quyền Trump đã tiếp tục áp thuế lên các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến mức thuế của Mỹ áp lên áo chống đạn do công ty của ông Shu chế tạo lên 42,6%.

Với việc hơn một nửa thu nhập của công ty phụ thuộc vào các đơn đặt hàng từ Mỹ, ông Shu hài lòng với quyết định tại Myanmar.

Trong bối cảnh ông Trump có thể áp 25% thuế đối với 300 tỷ hàng hóa khác của Trung Quốc thì không nhà xuất khẩu nào tại nước này sẽ tránh khỏi chiến tranh thương mại.

Trong những năm gần đây, một số nhà sản xuất Trung Quốc đã bắt đầu chuyển một số cơ sở tới các quốc gia như Việt Nam và Campuchia, do chi phí hoạt động leo thang ở trong nước. Cuộc chiến thương mại giờ đây đang hối thúc nhiều công ty phải di chuyển, đặc biệt là các hãng chế tạo các sản phẩm công nghệ thấp và giá trị thấp.

Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng tránh đạn từ chiến tranh thương mại bằng cách âm thầm vận chuyển hàng qua các nước thứ 3.

Sau 9 tháng, công ty của ông Shu giờ đây đang dựa vào nhà máy mới tại Myanmar, vốn đi vào hoạt động từ tháng 12 năm ngoái, để chế tạo các sản phẩm theo đơn đặt hàng mới từ các khách hàng Mỹ.

Khoảng 220 công nhân tại nhà máy ban đầu ở Quảng Châu giờ đây chủ yếu phục vụ các khách hàng ở Trung Đông, châu Phi và châu Âu.

Trong khi đó tại Yangon, nhà máy của ông Shu biến các vật liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc thành các sản phẩm hoàn thiện - tất cả đều được ghi “Sản xuất tại Myanmar” - và hầu hết trong số đó xuất khẩu đi Mỹ.

“Nhà máy của chúng tôi đang nhận nhiều đơn đặt hàng. Các sản phẩm được xuất khẩu tới Mỹ và châu Âu. Vì thế tôi tin rằng tương lai của chúng tôi sẽ được cải thiện từ công việc tại nhà máy này”, Marlar Cho, 36 tuổi, một nhân viên giám sát tại nhà máy ở Yangon, cho biết.

Quản lý nhà máy, Jiang Aoxiong, 40 tuổi, đến từ miền đông Trung Quốc, cho biết họ vẫn liên tục bận rộn với các đơn đặt hàng, dù nhà máy có tới 600 công nhân.

Myanmar đã trở thành địa điểm được lựa chọn của một số công ty Trung Quốc do giá nhân công rẻ và dồi dào. Đặc biệt, Myanmar xuất khẩu khoảng 5.000 sản phẩm tới Mỹ miễn thuế theo một chương trình thương mại của Mỹ dành cho các quốc gia đang phát triển.

Trong 12 tháng tính tới tháng 4 năm nay, các dự án của Trung Quốc được phê chuẩn đã tăng lên mức 585 triệu USD, theo số liệu mới nhất từ Myanmar. Nguồn vốn từ Trung Quốc đã giúp mở rộng ngành công nghiệp của quốc gia Đông Nam Á.

Trong tháng 5, các công ty đã chứng kiến sự gia tăng nhanh nhất và số lực lượng lao động kể từ năm 2015, trong khi sản xuất tăng cao nhất trong 13 tháng.

Ở lại hay đi?

ACMEX Group, một hãng chế tạo lốp xe tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), đã có một số kinh nghiệm thuê sản xuất ở nước ngoài khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Khoảng 2 năm trước, công ty này bắt đầu chế tạo một số dòng lốp xe tại Việt Nam, Thái Lan và Malaysia để tận dụng giá nhân công và chi phí nhiên liệu thô rẻ, và tránh các thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Với các thuế quan mới trong cuộc chiến thương mại, công ty có kế hoạch nâng sản xuất các lốp xe ở nước ngoài từ 20 lên 50%, và xây dựng các nhà máy của riêng mình thay vì thuê các nhà máy sẵn có, Chủ tịch công ty Guan Zheng cho biết.

“Giờ đây thời điểm đã chín muồi”, ông Zheng nói, cho biết thêm rằng cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng đã được cải thiện.

Kinh nghiệm của các công ty như ACMEX và Yakeda Tactical Gear của ông Shu cho thấy cuộc chiến tranh thương mại đã khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải thay đổi, hoặc là đa dạng hóa nền tảng khách hàng, tăng bán hàng nội địa, hoặc di chuyển sản xuất sang một nước thứ 3.

Nhưng tất cả các phương án đó đều đòi hỏi thời gian và tiền, vốn không sẵn có đối với các hãng xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc đang chật vật với lợi nhuận thấp. Thậm chí các địa điểm như Philippines hay Việt Nam cũng quá sức đối với một số công ty.

Mặc dù Trung Quốc khuyến khích chuyển một số lĩnh vực công nghiệp nặng ra nước ngoài để giảm dư thừa sản xuất và hỗ trợ sáng kiến Vành đai và Con đường nhưng Bắc Kinh ít ủng hộ một động thái lớn hơn nhằm chuyển dịch sản xuất ồ ạt ra nước ngoài.

Liang Ming, giám đốc Viện thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, đã bác bỏ ý tưởng rằng các công ty đang rời khỏi Trung Quốc hàng loạt. “Chỉ có ít công ty đang thực sự di chuyển. Nếu họ rời đi, họ có nguy cơ bị thiệt hại nếu có một thỏa thuận Mỹ - Trung”, ông Liang nói, cảnh báo thêm rằng việc đưa các nhà máy trở lại Trung Quốc sẽ rất đắt đỏ.

Trong bối cảnh các căng thẳng thương mại leo thang, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách thêm trong những tháng tới để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Mặc dù chi phí và lương nhân công rẻ hơn nhưng một số công ty Trung Quốc có kinh nghiệm sản xuất ở nước ngoài nói cũng có những hạn chế. Quản lý nhà máy Jiang phàn nàn về năng suất lao động thấp hơn tại Myanmar so với Trung Quốc, các con đường bị ngập trong mùa mưa và tình trạng cắt điện 8-9 giờ mỗi ngày.

“Nếu không có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì chắc chắn chúng tôi không phải đến Myanmar để mở nhà máy”, ông Jiang nói.

Theo Dân Trí