Mỹ chuyển giao UAV hiện đại cho Việt Nam
03/06/2019 09:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Số máy bay không người lái do Mỹ chế tạo sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực kiểm soát các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam
Bộ tư lệnh Không quân Hải quân Mỹ vừa trao cho Công ty Insitu một hợp đồng lớn nhằm cung cấp 34 máy bay không người lái trinh sát ScanEagle cho 4 quốc gia ASEAN như một phần của cam kết theo sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á.
Thỏa thuận sẽ được thực hiện thông qua chương trình Bán trang bị quân sự cho nước ngoài (FMS) của Hoa Kỳ.
Trong số 34 chiếc UAV, Malaysia sẽ nhận 12 đơn vị trị giá 19,329 triệu USD, Indonesia với 8 đơn vị trị giá 9,197 triệu USD, Philippines nhận 8 chiếc trị giá 9,633 triệu USD và Việt Nam nhận 6 máy bay trị giá 9,770 triệu USD.
Máy bay không người lái trinh sát ScanEagle 2
Dựa trên các đợt giao hàng trước đó tới Malaysia và Philippines, Insitu dự kiến sẽ cung cấp phiên bản UAV ScanEagle 2 mới nhất.
Toàn bộ chương trình dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm 2022, mặc dù việc giao hàng có thể sẽ được tiến hành sớm hơn.
Máy bay không người lái ScanEagle được đưa vào hoạt động lần đầu tiên trong lực lượng Hải quân Hoa Kỳ vào năm 2005. Đây là chiếc UAV với thiết kế không đuôi, có sải cánh xuôi 3,1 m với đầu cánh được bẻ cong lên phái trên. Hầu như tất cả các mép sau của cánh đều được cơ giới hóa.
Thân máy bay tương đối nhỏ (chiều dài khoảng 1,4 m) chứa một động cơ piston công suất 1,5 mã lực. UAV ScanEagle có trọng lượng cất cánh tối đa không quá 20 kg.
Với kích thước, trọng lượng và cấu trúc khí động học như vậy, UAV ScanEagle có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong thời gian dài. Nó có khả năng bay với vận tốc lên đến 130 km/h và đạt được độ cao 4.900 m.
Động cơ có tính kinh tế cao và thùng nhiên liệu có thể tích tương đối lớn cho phép máy bay có thể thực hiện các chuyến bay kéo dài trong thời gian hơn 20 giờ. Năm 2006, ScanEagle đã xác lập một kỷ lục khi bay liên tục trong 22 giờ 8 phút.
Giống như một số UAV tiên tiến khác, chiếc ScanEagle không yêu cầu sân bay lớn để cất hạ cánh. Máy bay sẽ cất cánh từ một máy phóng khí nén và hạ cánh nhờ hệ thống thu hồi UAV mang tên SkyHook.
Máy bay không người lái ScanEagle cất cánh từ tàu tuần tra
Có một chi tiết đáng chú ý đó là Malaysia và Philippines hiện tại đang khai thác chiếc UAV ScanEagle, trong khi Indonesia và Việt Nam sẽ lần đầu tiên vận hành phương tiện trinh sát đường không tối tân này.
Trước kia có dự đoán cho rằng Việt Nam sẽ chỉ mua 2 chiếc ScanEagle để trang bị cho 2 tàu tuần tra Hamilton tuy nhiên con số tiếp nhận thực tế lại gấp 3 lần, cho thấy có thể mỗi tàu sẽ mang theo hơn 1 UAV khi thực hiện nhiệm vụ, hoặc chúng ta sẽ còn nhận thêm nhiều tàu tuần tra khác của Mỹ.
Điểm đặc biệt nữa đó là giá trị số UAV ScanEagle mà Việt Nam sẽ nhận lại cao hơn Indonesia và Philippines, trong khi chúng ta chỉ mua 6 chiếc còn hai nước bạn là 8 chiếc, do vậy nhiều khả năng đi kèm chiếc UAV này còn có thêm một số thiết bị đặc biệt khác.
Theo Dân Trí
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024