Sức mạnh đáng gờm của lực lượng tàu ngầm Iran
28/05/2019 09:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Iran là một trong những nước có lực lượng tàu ngầm hùng hậu về số lượng và đáng gờm về sức mạnh.
Số lượng hùng hậu
Một thời, Iran dồn hết ngân sách quốc phòng cho bộ binh và không quân, nhưng trong những năm gần đây, họ đã bắt đầu đầu tư phát triển tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, và hiện nay, Iran là một trong những nước có lực lượng tàu ngầm lớn trên thế giới. Theo các nguồn tin, ngoài 230 tàu tên lửa tấn công nhanh, 5 tàu hộ vệ tên lửa, 33 tàu tuần tra, cùng một số tàu hậu cần, đổ bộ và hỗ trợ khác, Hải quân Iran sở hữu 33 tàu ngầm các loại.
Tàu ngầm có trong biên chế Hải quân Iran năm 2019. Ảnh: hisutton.com
Tàu ngầm hiện đại nhất là 3 chiếc thuộc lớp Kilo do Nga sản xuất và bàn giao trong giai đoạn 1993-1997. Cuối những năm 1990, Nga thực hiện lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế và ngưng bán thêm tàu ngầm mới cho Iran; nước này buộc phải tự phát triển tàu ngầm của riêng mình. Hải quân Iran đã phát triển tàu ngầm có lượng giãn nước 90-1.200 tấn phục vụ chiến thuật tác chiến "bầy sói" để đối đầu với các lực lượng hải quân khu vực, đã đã trình làng các lớp tàu ngầm do nước này chế tạo gồm Ghadir (“Thằng nhỏ”), Nahang, Tareq, Sina và Fateh (“Kẻ chinh phục”).
Iran bắt đầu sản xuất tàu ngầm lớp Ghadir IS-120 sử dụng nhiên liệu diesel vào năm 2005, chiếc đầu tiên hạ thủy vào năm 2007 và hoàn toàn giữ bí mật về thông số kỹ thuật cũng như khả năng của loại tàu ngầm này. Nó được dùng để thay thế lớp Nahang có lượng giãn nước hơn 400 tấn để tác chiến ở vùng nước nông. Dự án tàu ngầm cỡ 1.200 tấn lớp Qaaem sau hơn 7 năm phát triển tiến độ chưa có nhiều tiến triển.
Tàu ngầm lớp Ghadir. Ảnh: covertshores
Fateh là tàu ngầm mới nhất được Iran biên chế cho quân đội, không lâu sau khi Tehran cho ra mắt một loạt khí tài quân sự đời mới khác, trong bối cảnh nước này chịu nhiều sức ép từ Mỹ, trong đó có việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tàu ngầm lớp Fatehs sẽ là “người kế nhiệm” của Ghadirs sau khi dự án Nahang thất bại.
Theo hãng thông tấn FNA, Hải quân Iran đang phát triển “một số loại tàu ngầm thế hệ mới khác biệt so với tàu ngầm đang được Nga và Mỹ sử dụng” - tàu ngầm không người lái (UUV) có khả năng dò tìm, phá hủy bom, mìn và ngư lôi. Tuy nhiên, theo tạp chí National Interest, ngay cả khi Iran chưa phát triển đội tàu ngầm thế hệ mới, hạm đội tàu ngầm mini của nước này đã có sự khác biệt rất lớn với Mỹ, phương Tây và tạo nên khả năng răn đe lớn với các nước "thù địch" trong khu vực.
Chất lượng không thể coi thường
Trụ cột trong sức mạnh tác chiến ngầm của Iran là 3 tàu lớp Kilo (Dự án 877) - "Hố đen đại dương" nhập từ Nga, có khả năng hoạt động trên khắp Ấn Độ Dương. Được trang bị 6 ống phòng ngư lôi cỡ 533 mm và có thể mang theo 18 quả ngư lôi các loại hoặc 24 quả mìn, hoạt động trên biển 45 ngày, đủ khả năng thực hiện tác chiến xa bờ, tàu ngầm Kilo cho phép hải quân Iran kiểm soát phạm vi hơn 5.000 km bờ biển Iran.
Tàu ngầm Ghadir IS-120 có chiều dài 29m, rộng 3m, lượng giãn nước khoảng 120 tấn, tốc độ tối đa 20 km/giờ, thuỷ thủ đoàn 18 người, được trang bị hai ống 533 mm có thể phóng ngư lôi chống hạm hạng nặng YT-534-UW1 và tên lửa chống tàu hạng nhẹ Jask-2, hoặc đặt mìn; có thể sử được dụng để triển khai biệt kích. Iran có tổng cộng 21 tàu ngầm thuộc loại này, được thiết kế dựa trên cơ sở là tàu ngầm hoạt động trong vùng nước nông lớp Yono của Triều Tiên. Cuối tháng 11/2018, 2 tàu ngầm lớp Ghadir có khả năng phóng tên lửa đất đối không, ngư lôi và mìn đã được biên chế vào lực lượng hải quân của Iran.
Theo thông tin ban đầu, tàu ngầm lớp Fateh (“Kẻ chinh phục”) của Iran có chiều dài hơn 40 m, lượng giãn nước khoảng 500 tấn, lặn sâu 200 m, thủy thủ đoàn 22 người, được trang bị 8 ống phòng ngư lôi đường kính 533 mm (có thể mang theo 8 quả thủy lôi và 2 quả dự phòng), hoạt động chủ yếu ở khu vực ven bờ. Fateh dùng động cơ điện-diesel và sở hữu nhiều vũ khí tối tân, bao gồm ngư lôi, thủy lôi, cùng tên lửa hành trình với khả năng phóng từ vị trí lặn, hệ thống radar âm thanh tiên tiến giúp xác định tàu địch và trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa, có thể tác chiến độc lập mà không cần các hệ thống cảnh giới mặt nước.
Tàu ngầm lớp Fateh. Ảnh: iranpress.com
Fateh được Iran chế tạo hoàn toàn trong nước, có thể hoạt động tốt hơn ở những vùng biển nông so với phần lớn các tàu ngầm phương Tây. Khả năng chống ngầm của lớp tàu này có thể hạn chế nhưng không loại trừ chúng được Iran sử dụng cho nhiệm vụ rải thủy lôi và thực hiện các chiến dịch đặc biệt. Gia nhập Hải quân Iran, nó sẽ giúp bổ sung thêm tính đa dạng của hạm đội gồm tàu ngầm hạng nhẹ, bán nặng và hạng nặng của Iran và được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể năng lực tác chiến cho Hải quân Iran.
Ngoài ra, Hải quân Lực lượng vệ binh Iran còn có tàu ngầm trang bị ngư lôi Taedong-B do Triều Tiên sản xuất, đảm trách nhiệm vụ chuyên chở các phương tiện chiến đấu cho lực lượng biệt kích và người nhái. Các tàu ngầm này có thể mang theo 2 tên lửa chống hạm hạng nhẹ 324 mm, thủy lôi hẹn giờ cỡ lớn, tuy chưa rõ Iran hiện còn bao nhiêu chiếc trong biên chế.
Biên đội tàu Đặc nhiệm (SBS) thuộc Thủy quân lục chiến Iran được trang bị tàu ngầm chở người nhái Al-Sabehat 15, chủ yếu được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát bờ biển nhưng cũng có thể mang theo các thủy lôi diệt hạm hẹn giờ. Mối đe dọa lớn nhất từ Iran là khả năng phong tỏa các tuyến hàng hải chở dầu tại eo biển Hormuz, nơi có tới 20% nguồn cung dầu đi qua trước khi tới thị trường tiêu thụ. Theo ước tính, Mỹ chi khoảng 8.000 tỷ USD để bảo vệ eo biển Hormuz kể từ năm 1976.
Đầu năm 2019, Iran đưa vào trang bị tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa hành trình đầu tiên. Qadir là loại tàu ngầm có khả năng triển khai tên lửa hành trình do Iran tự phát triển. Theo công bố của phía Iran, loại tàu ngầm này có khả năng mang theo tên lửa đất đối đất (hoặc hải đối hải) với tầm bắn lên tới 2.000 km, thừa sức với tới lãnh thổ Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực mà không cần ra khỏi lãnh hải Iran. Theo Hải quân Iran, cả tàu ngầm lớp Tarek và Fateh cũng có khả năng phóng tên lửa đánh các mục tiêu trên biển từ dưới mặt nước.
Các tàu ngầm sẽ đóng vai trò vô giá đối với Iran nếu nước này tìm cách đóng cửa eo biển Hormuz. Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington D.C, trong vùng nước hẹp và cạn của Vịnh Arab, khả năng triển khai tàu ngầm có hiệu quả vô cùng cao, đe dọa hủy diệt tất cả tàu mặt nước. Các tàu quân sự và thương mại vào vịnh này đều phải di chuyển theo các tuyến đường có thể dự đoán được, khiến chúng trở thành “con mồi ngon” cho ngư lôi hay tên lửa chống hạm của tàu ngầm Iran nằm phục sẵn tại các điểm hiểm yếu dưới đáy vịnh Ba Tư.
Theo Dân Trí
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024