Sứ mệnh lớn lao của tân Quốc vương Thái Lan

04/05/2019 02:02 PM


Khi chính thức đăng quang, tân Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đối mặt với sứ mệnh lớn lao nhằm đoàn kết dân tộc, tại một đất nước từng trải qua 12 cuộc đảo chính kể từ khi đi theo thể chế quân chủ lập hiến vào năm 1932.

Khi chính thức đăng quang, tân Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đối mặt với sứ mệnh lớn lao nhằm đoàn kết dân tộc, tại một đất nước từng trải qua 12 cuộc đảo chính kể từ khi đi theo thể chế quân chủ lập hiến vào năm 1932.
>>Vai trò đặc biệt của nhà vua trong nền chính trị Thái Lan
>>Quốc vương Thái Lan đội vương miện hơn 7kg, chính thức đăng quang
>>5 báu vật hoàng gia được trao trong lễ đăng cơ của Quốc vương Thái Lan

Sứ mệnh lớn lao của tân Quốc vương Thái Lan - 1

Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn thực hiện các nghi thức trong lế đăng quang sáng ngày 4/5. (Ảnh: Reuters)

Lễ đăng quang của Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn, người lấy hiệu là Rama X, bắt đầu vào sáng nay, 4/5, tại thủ đô Bangkok và kéo dài tới ngày 6/5, ba năm sau khi Vua cha Bhumibol Adulyadej qua đời. Đây sẽ là lễ đăng quang đầu tiên tại Thái Lan kể khi Vua Adulyadej lên ngôi ngày 5/5/1950.

Chỉ vài ngày trước lễ đăng quang, Vua Maha Vajiralongkorn khiến công chúng bất ngờ khi thông báo kết hôn với nữ tướng Suthida Vajiralongkorn na Ayutthaya, một cựu tiếp viên hàng không, và phong bà làm Hoàng hậu Thái Lan.

Người cha của ông Vajiralongkorn là Quốc vương Adulyadej đã trị vì 70 năm cho tới khi qua đời vào tháng 10/2016. Ông Adulyadej nổi tiếng là thành công trong việc đoàn kết các phe phái, tạo sự đồng thuận với người dân, vì thế mà ông rất được tôn kính.

Quá trình trị vì lâu dài và thành công của ông đã đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu thời kỳ trị vì của Vua Rama X có thành công như vậy?

Giới phân tích nhận định rằng, Thái Lan sẽ ra sao trong giai đoạn hậu đăng quang chủ yếu dựa vào khả năng của Nhà vua Vajirusongkorn nhằm tạo dựng sự đồng thuận mới với các phe phái chính trị lớn tại Thái Lan.

Đất nước xứ Chùa Vàng đã lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ năm 2006, khi chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Cuộc khủng hoảng diễn ra cùng thời điểm đi xuống của thời đại Adulyadej, khi sự đồng thuận chính trị bị sụt giảm.

Sự ổn định chính trị đã được duy trì trong các thập niên trước chủ yếu do Vua Adulyadej có khả năng tạo dựng sự đồng thuận với người dân. Vua Adulyadej có thể làm điều đó bởi ông đã có được sự yêu mến và tín nhiệm của công chúng.

Nhưng các thành công của Vua Adulyadej chủ yếu mang tính cá nhân chứ không mang tính hiến pháp, đồng nghĩa với việc sự thay đổi người kế vị không tự động mang đến sự ổn định cho hoàng gia. Vì thế, triều đại của Vua Rama X có thành công rực rỡ như thời vua cha hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự trì vì của chính ông.

Biến động chính trị đã xuất hiện ngay khi thời đại của quốc vương mới bắt đầu. Kết quả của cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3 tại Thái Lan cho tới nay vẫn chưa được công bố, cho thấy sự bất ổn chính trị sâu sắc tại nước này. Nhưng nếu có một sự đồng thuận mới thì nó có thể hóa giải thế bế tắc chính trị hiện nay.

Xây dựng lòng tin và sự đồng thuận chính trị

Sứ mệnh lớn lao của tân Quốc vương Thái Lan - 2

Một người đàn ông Thái cầm ảnh của Quốc vương Maha Vajiralongkorn trong lễ đăng quang sáng ngày 4/5. (Ảnh: Reuters)

Sự đồng thuận chính trị được xem là chìa khóa cho một thời đại trị vì thành công. Sự đồng thuận có thể không dẫn tới nền dân chủ tại Thái Lan, nhưng sự ổn định có thể đạt được thông qua các thỏa hiệp chính trị.

Phần khó khăn nhất là làm thế nào để giữ sự đồng thuận đó trong mọi thời điểm, nhất là trong bối cảnh người Thái đang mất dần niềm tin vào các thể chế quan trọng. Ví dụ như, tòa án, ủy ban bầu cử, cơ quan chống tham nhũng… rõ ràng đang nằm dưới sự quản lý của nhóm thượng lưu truyền thống. Các cuộc biểu tình chống lại các thể chế này ngày càng diễn ra thường xuyên, làm tổn hại tới hình ảnh của Thái Lan.

Vua Vajiralongkorn sẽ có nhiều việc phải làm để tạo dựng lại sự đồng thuận. Nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu Vua Vajiralongkorn có thể kết nối với Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, hiện vẫn là nhân vật nhận được sự ủng hộ lớn từ phe “áo đỏ”.

Nhưng khi ông Thaksin đề cử Công chúa Ubolratana Rajakanya làm ứng viên thủ tướng cho đảng Thai Raksa Chart hiện đã bị giải thể, Quốc vương Vajiralongkorn đã ra chỉ thị hoàng gia khiển trách ông vì chính trị hóa hoàng gia.

Hành động trên của ông Vajiralongkorn được xem là nhằm làm dịu phe áo vàng trung thành với hoàng gia, vốn nổi giận vì một liên minh mới hình thành giữa cựu Thủ tướng Thaksin và Công chúa Ubolratana.

Chiến lược phân chia và trị vì, dù dường như củng cố ngai vàng, lại đang trở thành một rào cản trong việc xây dựng sự đồng thuận chính trị. Điều này khiến bất kỳ sự hòa giải nào giữa các đảng đối lập nhiều khả năng sẽ khó xảy ra trong thời kỳ hậu đăng cơ.

Gần đây, Quốc vương Vajiralongkorn tiếp tục khiển trách ông Thaksin bằng cách tước các huân chương hoàng gia của ông. Điều này sẽ cản trở bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa tới sự đồng thuận trong triều đại mới.

Ảnh hưởng từ nhân tố quân đội

Vai trò đặc biệt của nhà vua trong nền chính trị Thái Lan

Nhiều nhà phân tích cho rằng các động thái trên của Quốc vương Vajiralongkorn là ngầm ủng hộ quân đội.

Quân đội là một nhân tố quan trọng khác sẽ đóng vai trò trong việc xây dựng hoặc phá vỡ bất kỳ sự đồng thuận nào. Sau 5 năm đất nước Thái Lan dưới sự lãnh đạo của quân đội, lực lượng này tiếp tục đối đầu các đối thủ chính trị thay vì hòa giải với họ.

Giống các thể chế chính trị khác, quân đội luôn trung thành với hoàng gia hơn nhân dân. Tư lệnh quân đội hiện thời, Tướng Apirat Kongsompong, đã vài lần can thiệp vào chính trị.

Bài phát biểu mới nhất của ông Kongsompong về “những người cánh tả kiêu căng”, nhằm lên án các lãnh đạo của đảng Hướng tới Tương lai là “quá tự do”, đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về nghĩa vụ của quân đội trong việc bảo vệ các lợi ích của giới tinh hoa truyền thống. Trong ngày đầu tiên tại vị, ông đã cảnh báo tiến hành một cuộc đảo chính khác nếu các biến động chính trị vẫn tiếp diễn.

Ngoài ra, sự đồng thuận chính trị không chỉ rất quan trọng trong nền chính trị Thái Lan mà còn với cả các đồng minh nước ngoài. Trong thời kỳ trị vì của Vua Adulyadej, sự đồng thuận đã vượt ra khỏi biên giới Thái Lan.

Các chính phủ nước ngoài coi Quốc vương Adulyadej là lực lượng đoàn kết của Thái Lan. Các quan chức Thái thường thăm các đồng minh nước ngoài để đảm bảo với họ rằng sự ủng hộ đối với hoàng gia là cần thiết nhằm thúc đẩy sự ổn định chính trị. Các đồng minh nước ngoài này cũng thường bày tỏ sự cảm thông đối với Quốc vương trong các thời điểm quan trọng trong quá khứ.

Rất khó để dự đoán đường hướng của Thái Lan do các điều kiện chính trị không thuận lợi đối với việc xây dựng sự đồng thuận trong công chúng. Vì thế, người Thái đang chờ đợi và kỳ vọng vào tân Quốc vương mới nhằm đoàn kết dân tộc và mang tới sự ổn định của đất nước này.

Theo Dân Trí