Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng dưới thời ông Kim Jong-un bất chấp lệnh trừng phạt "bủa vây"
25/02/2019 08:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các chỉ số kinh tế và bộ mặt đất nước cho thấy nền kinh tế Triều Tiên đã thay da đổi thịt rõ rệt dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bất chấp các lệnh trừng phạt siết chặt của Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Chủ đề phát triển kinh tế được thể hiện trong màn diễu hành của các công nhân Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự lạc quan dành cho triển vọng của nền kinh tế Triều Tiên. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng còn tin tưởng rằng kinh tế Triều Tiên sẽ tăng tốc như “tên lửa” dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un.
"Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un sẽ trở thành một siêu cường kinh tế. Ông ấy có thể ngạc nhiên một chút nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên bởi tôi đã biết ông ấy và rất hiểu khả năng của ông ấy. Kinh tế Triều Tiên sẽ vút nhanh như tên lửa", Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter ngày 8/2.
Trước khi gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái tại Singapore, Tổng thống Trump cũng từng nói ông “thực sự tin Triều Tiên có tiềm lực xuất sắc và một ngày nào đó sẽ trở thành một cường quốc kinh tế, tài chính”.
Chính sách năng động
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un lái thử máy kéo khi tới thăm một nhà máy tại Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc, nền kinh tế Triều Tiên đã có sự chuyển mình đáng kể từ sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo vào cuối năm 2011.
Theo Park En-na, Đại sứ Hàn Quốc phụ trách ngoại giao công, bức tranh toàn cảnh cho thấy nền kinh tế Triều Tiên đang ngày càng tốt lên.
“Ông Kim Jong-un đã mang nhiều yếu tố mới cho nền kinh tế Triều Tiên. Trong phạm vi nhất định, họ thậm chí còn cho phép sự tư nhân hóa”, Đại sứ Park cho biết.
“Tốc độ phát triển kinh tế của Triều Tiên đang diễn ra nhanh hơn trước đây với nền kinh tế thị trường được đẩy mạnh kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, ngay cả trước sức ép của các lệnh trừng phạt quốc tế. Chính thương mại, phân phối, du lịch và các ngành công nghiệp dịch vụ đang dẫn dắt cho sự phát triển của nền kinh tế Triều Tiên”, Lee Seog-ki, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Công nghiệp và Thương mại Toàn cầu, nhận định.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Triều Tiên, đồng thời nới lỏng sự quản lý của chính phủ đối với các ngành kinh doanh và công nghiệp.
Ông Kim Jong-un thị sát một công trình đường tàu tại Triều Tiên năm 2018 (Ảnh: Reuters)
Năm 2012, ông Kim Jong-un hối thúc các công ty và nhà máy tăng cường năng suất làm việc và chỉ một năm sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cho thành lập 13 đặc khu phát triển kinh tế mới nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều cải cách theo định hướng kinh tế thị trường cũng được triển khai vào năm 2014 nhằm tự do hóa hơn nữa nền kinh tế. Ngoài ra, việc nâng cao mức sống cho người dân cũng là ưu tiên quốc gia của Triều Tiên.
Hội đồng Nghiên cứu Hàn - Triều Quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho rằng dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Triều Tiên ngày càng có khuynh hướng cho phép tồn tại song song cả cơ chế thị trường không chính thức và cơ chế nhà nước tập trung.
“Nhà nước đã giảm bớt sự can thiệp, cho phép (các doanh nghiệp) tự chủ trong việc đưa ra kế hoạch phát triển và thực thi các kế hoạch đó theo năng lực thực tế của họ. Đối với một số sản phẩm, các doanh nghiệp được phép tự đưa ra quyết định về giá cả. Triều Tiên cũng đang tiến đến việc hợp thức hóa các quỹ huy động từ các nhà đầu tư tư nhân, hay còn gọi là các “donju”, vào các công ty”, chuyên gia Hong Jae-hwan thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU) cho biết.
Những con số “biết nói”
Những tòa nhà cao tầng san sát tại thủ đô Bình Nhưỡng. (Ảnh: Reuters)
So với thời điểm thập niên 1990 khi cố lãnh đạo Kim Jong-il còn nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện nay được kế thừa một nền kinh tế hoàn toàn khác biệt.
Trước đây, kinh tế Triều Tiên từng lâm vào khủng hoảng khi nạn đói hoành hành khiến 2 triệu người thiệt mạng. Tuy nhiên, quốc gia Đông Bắc Á ngày nay đã thay da đổi thịt.
David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đã có chuyến đi chính thức tới Triều Tiên vào tháng 5/2018. Theo ông Beasley, không còn dấu hiệu nào cho thấy nạn đói và suy dinh dưỡng còn tồn tại ở Triều Tiên.
“Tôi không còn thấy nạn đói nữa. Trong thập niên 1990, Triều Tiên từng xảy ra nạn đói nhưng giờ tôi không còn thấy điều đó nữa”, ông Beasley cho biết.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ở thủ đô Seoul ước tính nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng trung bình 1,24% kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền cách đây 7 năm.
Sân vận động ở Triều Tiên có sức chứa tối đa tới 150.000 người. (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn số liệu thống kê của ngân hàng trên cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm 2016 tăng 3,9% so với năm 2015, đạt mức 32.000 tỷ won (khoảng 28,5 tỷ USD). Theo đó, 2016 là năm kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1999 - khi nền kinh tế của nước này tăng 6,1%.
Giáo sư Ri Gi Song tại Viện Kinh tế thuộc Viện Khoa Học Xã hội ở Bình Nhưỡng cho biết Triều Tiên đã đạt được sự tăng trưởng về kinh tế mà không cần phụ thuộc vào nước ngoài. Cụ thể, nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 3,7% trong năm 2017.
Theo báo cáo của Ngân hàng Hàn Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên tăng trung bình hàng năm từ 4-5% trong khi nhập khẩu tăng 3-5% mỗi năm. Nền kinh tế Triều Tiên gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc - đối tác và đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng. Năm 2016, Trung Quốc chiếm 85,6% kim ngạch xuất khẩu và 90,3% nhập khẩu của Triều Tiên.
Bộ mặt đất nước thay đổi
Các sinh viên được sử dụng các trang thiết bị học tập hiện đại như máy tính xách tay, tai nghe hay kính thực tế ảo tại trường sư phạm ở Triều Tiên. (Ảnh: NPR)
Chiến lược ưu tiên phát triển kinh tế của Triều Tiên bắt đầu nổi lên từ tháng 4 năm ngoái khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ chuyển từ chính sách “byungjin”, trong đó phát triển đồng thời cả kinh tế và vũ khí hạt nhân, sang chính sách mới chỉ tập trung phát triển kinh tế.
Chun Byung-gon, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, cho biết các điều kiện sống ở Triều Tiên dường như đang được cải thiện.
“Bất chấp các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Triều Tiên đã có sự cải thiện khi nước này từng bước áp dụng một số mặt của nền kinh tế thị trường”, ông Chun cho biết.
Bình luận sau chuyến thăm tới Triều Tiên năm 2018, các nhà báo của hãng tin NPR cho biết họ đã nhận thấy rõ những dấu hiệu chuyển mình bên trong đất nước Triều Tiên.
Từng được xem là một nước nghèo với những con đường vắng vẻ, những tòa nhà xám xịt lạnh lẽo và sân bay lỗi thời, thủ đô Bình Nhưỡng giờ đây đã hiện đại hơn rất nhiều trong khi các thành phố khác cũng đang trên đà phát triển.
Khu liên hợp khoa học kỹ thuật mô phỏng theo hình dáng của một nguyên tử tại Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
Chỉ trong vòng 10 năm, hàng chục tòa nhà chọc trời được xây dựng theo phong cách mới với cửa kính và các đường cong mềm mại. Những tòa nhà cũ cũng được sơn lại bằng những gam màu tươi sáng hơn.
Bình Nhưỡng bây giờ cũng có nhiều taxi hơn. Tầng lớp thượng lưu ngày càng đông và có đủ khả năng tài chính để sắm xe ô tô riêng. Diện mạo của những người dân Triều Tiên cũng hiện đại hơn với tóc tạo kiểu thoải mái và trang phục bắt mắt hơn so với trước đây.
Tại sân bay Bình Nhưỡng, một nhà ga quốc tế mới đã đi vào hoạt động từ năm 2015. Đây là một sân bay hiện đại với trần cao, cửa kính, tiệm cafe, cửa hàng và cả khu vực bán đồ miễn thuế.
“Tôi đã chứng kiến tinh thần lạc quan từ giới lãnh đạo và cả những người dân Triều Tiên mà tôi có dịp được gặp. Họ hy vọng rằng Triều Tiên sẽ bước sang một chương mới trong lịch sử”, ông David Beasley chia sẻ.
Theo Dân Trí
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024