Tiếp tục quyết liệt thu, giảm nợ đọng, đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho NLĐ

26/10/2022 01:53 PM


Ngày 26/10, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn chủ trì Hội nghị, cùng Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp Quý III/2022. Hội nghị có sự tham dự của 120 phóng viên, biên tập viên chuyên trách của các cơ quan thông tấn báo chí.

Nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2022, cả nước đã có trên 17,08 triệu người tham gia BHXH, đạt 37,01% LLLĐ trong độ tuổi, tăng khoảng 537 nghìn người so với cuối năm 2021; gần 87,4 triệu người tham gia BHYT đạt 88,4% dân số; trên 14 triệu người tham gia BH thất nghiệp đạt 28,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 627 nghìn người với cuối năm 2021.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu tại Hội nghị

Trong Quý III/2022, BHXH Việt Nam đã thành lập 8 đoàn công tác do lãnh đạo Ngành chủ trì làm việc trực tiếp với các địa phương đề chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu nợ nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2022.

Ngoài ra, Lãnh đạo Ngành cùng với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp tham dự, chỉ đạo tại hội nghị triển khai các giải pháp phát triển người tham gia các tháng cuối năm 2022 tại một số địa phương (Kiên Giang, Cà Mau, TP.HCM, Bình Định, An Giang, Hà Nội, Điện Biên, Đồng Tháp, Kon Tum, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hà Giang).

Bên cạnh đó, các giải pháp thu hồi tiền chậm đóng, trốn đóng cũng đang được toàn ngành đẩy mạnh. Theo ông Phạm Tuấn Cường- Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra- Kiểm tra (BHXH Việt Nam), trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, thông qua công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã thu hồi 4.383 tỷ đồng (trong đó năm 2021 là 2.445 tỷ đồng, 9 tháng năm 2022 là 1.938 tỷ đồng).

“Chỉ trong tháng 8 và tháng 9/2022, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 2.233 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, có số nợ lớn. Sau thanh tra, ngoài việc yêu cầu các đơn vị SDLĐ thực hiện kịp thời nghĩa vụ phải đóng BHXH,BHYT, BH thất nghiệp mới phát sinh còn thu hồi hơn 250 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũ”, ông Cường cho biết.

Hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của cơ quan BHXH đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của chủ SDLĐ, quyền lợi NLĐ được đảm bảo, chế độ được giải quyết kịp thời- đúng- đủ.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tính đến hết tháng 9/2022, cơ quan công an và cơ quan BHXH đã phối hợp chặt chẽ trong việc đôn đốc thu hồi nợ đọng, số tiền nợ thu hồi thông qua công tác phối hợp đạt gần 500 tỷ đồng.

Quyền lợi BHXH, BHYT luôn được đảm bảo

Theo thống kê, đến hết Quý 3/2022, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết trên 7,4 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau; gần 895 nghìn lượt người hưởng chế độ thai sản; trên 683 nghìn lượt người hưởng mới các chế độ BH thất nghiệp; gần 106,5 triệu lượt người KCB BHYT…

Ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng Ban THCS BHXH (BHXH Việt Nam) chia sẻ thông tin tại Hội nghị

Đồng thời, tính đến hết tháng 9/2022, ngành BHXH Việt Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, quỹ BH thất nghiệp cho NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng chi phí trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ.

Ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng Ban THCS BHXH (BHXH Việt Nam) nhấn mạnh: Đây là minh chứng cho thấy, sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành BHXH Việt Nam trong việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ Covid-19 cho NLĐ và người SDLĐ; gần như không có độ trễ trong công tác tổ chức, thực hiện các gói hỗ trợ nêu trên.

Các phóng viên đặt câu hỏi tại Hội nghị

Một vấn đề được đông đảo các phóng viên quan tâm đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cung cấp thuốc, vật tư y tế và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT cho các cơ y tế.

Về nội dung này, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban THCS BHYT đã thông tin, phân tích chi tiết việc áp dụng phương thức thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT theo mức tổng thanh toán.

Theo đó, phương pháp xác định tổng mức thanh toán trong năm được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, 5, 6 Điều 24 Nghị định 146/2018/NĐ-CP là công cụ để kiểm soát gia tăng chi phí không hợp lý của phương thức thanh toán theo giá dịch vụ, chống lãng phí. Quy định về tổng mức thanh toán được xây dựng dựa theo nguyên tắc xác định tổng mức thanh toán đa tuyến đến trước đây nhưng có sự điều chỉnh trên cơ sở khoa học, tính toán đầy đủ các yếu tố tăng, giảm khách quan của từng cơ sở KCB. Những yếu tố khách quan này do thay đổi cơ cấu bệnh tật, số lượng bệnh nhân được can thiệp, phẫu thuật, bệnh nhân nặng gia tăng, sử dụng thuốc mới, vật tư y tế mới…

Ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban THCS BHYT (BHXH Việt Nam) trả lời câu hỏi của các phóng viên

“Chi phí y tế phụ thuộc rất nhiều vào chỉ định dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế của thầy thuốc. Hướng dẫn chuyên môn mang tính định hướng, chưa cụ thể nên việc áp dụng tuỳ theo từng bác sỹ: sử dụng thuốc loại thuốc nào (biệt dược gốc hay generic), vật tư y tế nào, bệnh nhân nào được chỉ định vào viện, giữ bệnh nhân điều trị nội trú bao nhiêu ngày… nên nếu không được quản lý bằng chi phí thì chắc chắn sẽ không kiểm soát được chi phí” ông Phúc nói.

Nâng cao niềm tin của Nhân dân

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Phương- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) đã thông tin về một số kết quả triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của BHXH Việt Nam. Tính đến ngày 17/10/2022, đã có trên 3,83 triệu lượt người sử dụng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT khi đi KCB BHYT.

Trong quá trình chờ Bộ Y tế ban hành quy định nhóm thông tin cơ bản về y tế thuộc CSDL quốc gia về bảo hiểm và quy định Sổ sức khỏe điện tử, BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng phương án kỹ thuật để có thể thực hiện việc chia sẻ dữ liệu.

“BHXH Việt Nam cũng đang hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng cung cấp các thông tin lên ứng dụng VnEID của Bộ Công an. Sau khi các quy định được ban hành, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ Công An, Bộ Y tế triển khai chính thức trên môi trường điện tử”, ông Phương khẳng định.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cũng đã trao đổi, trả lời nhiều câu hỏi từ các phóng viên, biên tập viên tham dự.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn bày tỏ sự ghi nhận, vai trò tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các hoạt động truyền thông về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Lũy kế đến hết ngày 25/10/2022, đã có khoảng 19.990 tin, bài phản ánh về các hoạt động, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được đăng tải trên các cơ quan thông tấn, báo chí; trung bình 68 tin, bài/ngày.

“Có thể thấy, hầu như hàng ngày, đều có các tin, bài, phóng sự… phản ánh về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và các hoạt động tổ chức thực hiện BHXH, BHYT. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT vào cuộc sống; góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào hệ thống chính sách ASXH của đất nước”, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.

Theo Minh Đức (Tapchibaohiemxahoi.gov.vn)