Đến năm 2030, vùng Đông Nam Bộ phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 95% dân số
24/10/2022 07:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Yêu cầu tăng cường chăm sóc sức khoẻ nhân dân với hệ thống y tế chất lượng, tiếp cận được dịch vụ kỹ thuật cao, mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ bao phủ BHYT vùng Đông Nam Bộ phải đạt trên 95% dân số.
Đó là một trong những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, vừa diễn ra hôm nay (23/10), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) Đông Nam Bộ theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu NSNN. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.
Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng DN đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.
Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định quan điểm, vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
Do đó, mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ phải đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 8-8,5%. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá-xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Để thực hiện mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cũng được Bộ Chính trị xác định rõ, bao gồm: Phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan toả trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị. Phát triển văn hoá-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho biết, Nghị quyết 24-NQ/TW là sản phẩm kết tinh của trí tuệ tập thể, được thực hiện công phu qua nhiều cấp, nhiều vòng, từ cơ sở đến Trung ương, từ lý luận đến thực tiễn; cập nhật, bổ sung các quan điểm mới của Đảng về phát triển vùng cũng như đánh giá bối cảnh tình hình mới tác động đến vùng.
“Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam Bộ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với vùng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong vùng với bối cảnh phát triển mới. Nghị quyết là căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời các cơ chế, chính sách trong thời gian tới, nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất tiềm năng, lợi thể để phát triển nhanh, bền vững toàn vùng và các địa phương trong vùng thời gian tới”- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Nghị quyết 24-NQ/TW yêu cầu tăng cường chăm sóc sức khoẻ nhân dân với hệ thống y tế chất lượng, tiếp cận được dịch vụ kỹ thuật cao, mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT. Theo đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ bao phủ BHYT phải đạt trên 95% dân số vùng. Đồng thời, quan tâm đầu tư hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tăng cường đầu tư phát triển các BV tuyến Trung ương đặt tại TP.HCM, các BVĐK cấp vùng, các BV, TTYT chuyên sâu có tầm cỡ khu vực và quốc tế đáp ứng nhu cầu KCB trong và ngoài nước. Phát triển BV vệ tinh của các BV Trung ương tại các đô thị tỉnh lỵ như: Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Tây Ninh. Nghiên cứu đầu tư phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vùng để đảm nhận vai trò hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho các tỉnh lân cận và có khả năng liên kết quốc tế…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “'Nghị quyết lần này tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp hơn nữa với vị trí, vai trò chiến lược của vùng động lực phát triển lớn nhất, đầu tàu kinh tế của cả nước; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước”.
Theo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh cần phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Trong đó, TP.HCM là thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; có trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn ở khu vực Châu Á, đóng vai trò là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ thành các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao để thực hiện hiệu quả.
Theo Minh Đức (tapchibaohiemxahoi.gov.vn)
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...