Bộ GD&ĐT cần dữ liệu của BHXH Việt Nam để làm gì?
12/10/2022 07:06 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ GD&ĐT hợp tác với BHXH Việt Nam nhằm kết nối dữ liệu giáo dục Đại học với thông tin vị trí việc làm.
Bộ GD&ĐT vừa cho biết về việc hợp tác với BHXH Việt Nam nhằm kết nối dữ liệu giáo dục Đại học với thông tin vị trí việc làm. Kết quả hợp tác này sẽ giúp Bộ GD&ĐT có số liệu cập nhật về tỷ lệ thất nghiệp lao động có trình độ đại học, cao đẳng.
Lao động kỹ thuật trình độ đại học làm việc tại một nhà máy ở Đồng Nai
Sở dĩ Bộ GD&ĐT cần cập nhật tỷ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ Đại học, cao đẳng, ngoài phục vụ công tác hoạch định chiến lược, còn chống "nhiễu" thông tin liên quan đến vấn đề này. Ví dụ, mới đây, tại Hội thảo Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, NLĐ và DN trong kỷ nguyên 4.0, một diễn giả cho rằng tỷ lệ lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên thất nghiệp là 30,8%. Diễn giả nêu trên dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020 có 1,2 triệu người thất nghiệp. Trong đó có khoảng 369.600 người thất nghiệp có trình độ đại học, cao đẳng trở lên; từ đó, diễn giả nhận định tỷ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ Đại học, cao đẳng trở lên trong năm 2020 là 30,8%.
Ngày 10/10/2022, Bộ GD&ĐT phản biện, thông tin "tỷ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ Đại học, cao đẳng trở lên trong năm 2020 là 30,8%" là thiếu chính xác, gây "nhiễu" thông tin, tác động không hay đến xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục đại học, cao đẳng.
Cũng dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ GD&ĐT lập luận, năm 2020, tổng số lao động trong độ tuổi là 54,84 triệu người. Trong đó, lao động có trình độ đại học chiếm 11,1%, cao đẳng chiếm 3,8%, tính ra là 8,17 triệu người. Vì vậy, với 369.600 người thất nghiệp có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, thì tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực này chỉ trên dưới 4,85% mà thôi. Bộ GD&ĐT đề nghị (bằng văn bản) diễn giả nêu trên đính chính thông tin, đồng thời rút kinh nghiệm qua vụ việc. Được biết, diễn giả này là Lãnh đạo một cơ quan trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Sau khi Bộ GD&ĐT thông tin về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng diễn giả đề cập số thực tế khi lấy 1,2 triệu người thất nghiệp trong năm 2022 làm mẫu. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT đào tạo lấy tổng số lao động trong độ tuổi làm nguyên mẫu, từ đó dựa vào tỷ lệ tính ra số lao động có trình độ Đại học, cao đẳng để làm mẫu so sánh. Vì vậy, khả năng phản ảnh thực tế không cao, do lao động trong độ tuổi không phải ai cũng đi làm.
Một vấn đề đáng lưu ý là, song hành phản ứng với diễn giả trên báo chí, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định đang triển khai hợp tác với BHXH Việt Nam. Việc này nhằm kết nối cơ sở dữ liệu giáo dục Đại học với thông tin vị trí việc làm. Khi hoàn thành sẽ cung cấp cho xã hội các thông tin cập nhật và tin cậy, về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.
Theo Thanh Giang (tapchibaohiemxahoi.gov.vn)
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...