Lao động nữ còn chịu nhiều thiệt thòi

18/07/2022 07:43 AM


"Lao động nữ ăn nhanh, uống vội, đi vệ sinh hạn chế và gần như không sử dụng thời gian nghỉ hành kinh 30 phút vì áp lực sản lượng ở các nhà máy sản xuất..."- thông tin tại Tọa đàm “Bình đẳng giới và những chính sách đối với lao động nữ”, vừa diễn ra hôm nay (17/7) tại TP.HCM.

Tại Tọa đàm, bà Phan Thị Thanh, cán bộ dự án của Viện Light phân tích, để có được mức lương mỗi tháng 10 triệu đồng, nhiều lao động phải làm đến 20 giờ, một tuần làm thêm 12 tiếng. Dù các DN không giới hạn số lần đi vệ sinh hay uống nước, nhưng áp lực đảm bảo sản lượng để được nhận mức lương tốt hơn đã khiến lao động nữ “làm cái gì cũng rất nhanh”.

Các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm

Theo bà Thanh, việc đi vệ sinh cũng phải tính toán vì sẽ ảnh hưởng đến chuyền, công đoạn trước và sau. Ngay cả quy định lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối đa 3 ngày khi tới kỳ kinh nguyệt và không bị trừ lương, song nhiều người vẫn chọn tiếp tục làm việc và công ty trả thêm một khoản tiền. Hoặc với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút để vắt sữa, nhưng họ sẽ tranh thủ vắt vào giờ nghỉ trưa. "Thường lao động nữ sẽ tận dụng một giờ nghỉ trưa để đi vệ sinh, ăn trưa, vắt sữa”- bà Thanh chia sẻ.

Chị Võ Thị Tươi, làm việc tại Công ty May MK ở quận 12 chia sẻ, theo quy định pháp luật, lao động nữ có bầu hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng sẽ được về sớm 60 phút. Tuy nhiên, nhiều người cũng không dám sử dụng, vì sợ ảnh hưởng đến sản lượng của chuyền. Điều này không chỉ dẫn đến thu nhập hằng tháng thấp, mà quản lý còn để ý dẫn đến gặp khó khăn đến kỳ tăng lương.

TS-BS.Nguyễn Thu Giang- Phó Viện trưởng Viện Light cho rằng, để luật hóa quy định nghỉ 30 phút trong ngày hành kinh, các bên đã tranh cãi rất nhiều; ngay cả khi sửa đổi Bộ luật Lao động 2019, nhiều ý kiến cũng đã đề xuất bỏ. “Mục đích của luật là để chị em có thời gian vệ sinh, phòng tránh các bệnh phụ khoa, đảm bảo sức khỏe. Thế nhưng, khi thực hiện lại rất khó. Nhiều DN lờ đi hoặc quy ra tiền. Có nhiều lý do như áp lực đảm bảo sản lượng ở các DN, thời gian làm việc căng thẳng và cả sự e ngại của lao động nữ”- BS.Giang phân tích.

Một vụ ngừng việc tập thể của lao động nữ tại quận 12 (TP.HCM)

Bà Trần Thị Kim Thanh- Trưởng phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cũng cho biết, DN vẫn sắp xếp để lao động nữ được nghỉ ngơi, đi vệ sinh theo đúng quy định. Các chuyền sẽ bố trí người chờ sẵn, thường là chính chuyền trưởng lắp vào các chỗ trống để đảm bảo sản lượng. Trong khi đó, tính lương theo sản phẩm là một trong 3 cách chi trả ở các DN ngành dệt may bên cạnh trả theo thời gian và bán sản phẩm.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết, hiện 51% lao động nữ trong ngành dệt may nhận lương sản phẩm, tỷ lệ này ở nam là 43%. Để đạt được năng suất cao, NLĐ phải dốc hết sức, làm nhiều, nhanh, cắt giảm thời gian "chết". Rất nhiều lao động khi được hỏi đã trả lời không dám đi uống nước, đi vệ sinh hay đứng dậy vặn vẹo người cho đỡ mỏi vì sợ tốn thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, không đảm bảo được sản lượng.

Theo khảo sát của Viện Light, nữ giới vẫn đang chịu rất nhiều thiệt thòi khi làm việc ở các DN. Cụ thể, lương của lao động nữ đang thấp hơn nam, nhưng số tiền dành để chi cho gia đình lại cao hơn. Lao động nữ dành ít nhất 3 giờ mỗi ngày để làm việc nhà và hoàn toàn không được tính vào thời gian làm việc. Sau dịch Covid-19, tỷ lệ mất việc ở lao động nữ cao hơn nam. Khi hết tuổi lao động, cứ 3 nam thì có một người hưởng lương hưu, song ở nữ cứ 5 người chỉ một người hưởng lương hưu.

Theo Phạm Thọ (tapchibaohiemxahoi.gov.vn)