BHYT: Góp phần chăm sóc sức khỏe cho người cận nghèo

26/08/2020 07:33 AM


Thời gian qua, công tác giảm nghèo đã có nhiều tiến bộ, chênh lệch giàu nghèo giữa các hộ, vùng miền đã giảm đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã vượt mục tiêu đề ra, nhất là người cận nghèo tham gia BHYT đạt trên 96%...

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh

Báo cáo kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Chính phủ cho thấy, những năm qua công tác giảm nghèo có nhiều tiến bộ, chênh lệch giàu nghèo giảm nhanh. Cụ thể, nếu năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cả nước là 15,10% (tại các huyện nghèo là 63,26%) thì đến cuối năm 2019 giảm chỉ còn 3,75%; dự kiến đến cuối năm 2020 giảm còn khoảng 2,75%- đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Phiên họp giám sát chuyên đề của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 và dự kiến năm 2020 tăng 1,6 lần- vượt chỉ tiêu đề ra tới 1,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%; khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo; 95/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân 4%/năm (kế hoạch giảm từ 3-4%/năm)…

Cũng theo đánh giá của Chính phủ, năm 2015 có 1.777.758 hộ nghèo về thu nhập; 573.270 hộ nghèo thiếu hụt đa chiều. Đến năm 2019 có 917.367 hộ nghèo về thu nhập và 67.126 hộ nghèo thiếu hụt đa chiều. Như vậy, cùng với việc giảm số hộ nghèo giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm.

Tại phiên họp giám sát chuyên đề về thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020 do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, đại diện Ủy ban Dân tộc cho rằng, các giai đoạn của lĩnh vực giảm nghèo nói chung và giảm nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ nên đã tạo ra sự thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo của nông thôn vùng dân tộc và miền núi; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo tại nhiều nơi vẫn còn cao trên 20%, một số tỉnh miền núi còn trên 30%, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào DTTS có nơi còn trên 50%. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu -nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đời sống, phát triển sản xuất còn thiếu gắn kết; nguồn lực thực hiện chính sách vẫn còn dàn trải. Khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào DTTS còn hạn chế, nhất là khó khăn về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp; tâm lý của người DTTS không muốn xa nơi cư trú nên hiệu quả công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động đối với người DTTS chưa cao. Thậm chí, có chính sách đã ban hành nhưng chưa bố trí kịp thời kinh phí để triển khai thực hiện, dẫn đến hiệu quả còn thấp; một bộ phận đồng bào còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ, thiếu chủ động trong việc tự lực vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo...

Đa số người cận nghèo có thẻ BHYT

Bên cạnh các tiêu chí về giảm nghèo, Nghị quyết số 76/2014/QH13 cũng đặt mục tiêu bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia BHYT; trên 90% trạm y tế xã có đủ điều kiện KCB BHYT; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách BHYT bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo.

Để đạt mục tiêu này, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHYT được ban hành kịp thời, đầy đủ...

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai một số dự án tại các địa phương, trong đó có hợp phần hỗ trợ cho người cận nghèo tham gia BHYT như: Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ do Ngân hàng Thế giới tài trợ; Dự án hỗ trợ y tế vùng Đông Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng (một phần hoặc toàn bộ 30% mức đóng, số còn lại được NSNN hỗ trợ). Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương cũng đã hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ nguồn ngân sách địa phương. Nhờ vậy, năm 2018, cả nước có 2.308.000 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT (khoảng 95,3%); năm 2019 có 2.327.000 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT (khoảng 96%)- vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Theo Bộ Y tế, nhiều trạm y tế đã được xây mới và sửa chữa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hầu hết các trạm y tế đều có các trang thiết bị cơ bản như: Giường bệnh, tủ thuốc, dụng cụ y tế, dụng cụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiều trạm y tế còn có đầy đủ các phòng chức năng như: Phòng khám bệnh, phòng tiêm, phòng đẻ và một số trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác khám bệnh (máy siêu âm, máy đo đường huyết, máy xét nghiệm…). Tỷ lệ xã có đủ điều kiện KCB BHYT đạt trên 90%- vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 76/2014/QH13 đề ra.

Có thể nói, chính sách BHYT đã điều chỉnh tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo. Cụ thể, từ ngày 1/1/2016, người có thẻ BHYT được quyền lựa chọn KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện khác trên phạm vi địa bàn tỉnh mà không cần giấy chuyển viện. Người có thẻ BHYT KCB trái tuyến tại các BV tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng 100% chi phí KCB. Đồng thời, mở thông tuyến KCB BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến Trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.

Cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình KCB, quy định “thông tuyến” trong Luật BHYT đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Quyền lợi của người bệnh BHYT được nâng lên rõ rệt vì không phải trả thêm hoặc tự mua một số thuốc, vật tư y tế mà trước đây người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do quỹ BHYT không thanh toán...

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, dù tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra nhưng một số địa phương không hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ một phần nên vẫn còn một số người cận nghèo chưa tham gia BHYT. Bên cạnh đó, chất lượng KCB BHYT chưa đáp ứng yêu cầu của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở. Nhiều người dân vẫn chưa thực sự hài lòng về thủ tục trong KCB, về chuyển tuyến và thanh toán BHYT. Mặt khác, Luật BHYT quy định mức đóng tối đa 6% lương nhưng hiện mức đóng BHYT là 4,5% lương nên để thực hiện được lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ phải điều chỉnh mức đóng để bảo đảm cân đối quỹ BHYT từ năm 2021. Việc rà soát định mức kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ KCB cũng tương đối lớn (khoảng 17.000 dịch vụ) nên còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ về y tế, hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia BHYT cũng như bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo…

Hiện cả nước còn khoảng 4% người cận nghèo chưa có thẻ BHYT. Đây là nhóm người có thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên khả năng tham gia BHYT còn hạn chế (mặc dù đã được hỗ trợ 70% mệnh giá). Nhận thức của nhiều hộ gia đình về chính sách BHYT còn hạn chế, có tư tưởng lựa chọn ngược, chỉ khi nào ốm đau mới tham gia BHYT. Các địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn phần lớn thuộc các tỉnh nhận hỗ trợ, phân bổ từ ngân sách Trung ương nên việc bố trí ngân sách địa phương để đầu tư cho các trạm y tế cấp xã gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyệt Hà