Lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ năm 2021 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XII
11/03/2020 10:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương (Hội nghị lần thứ VII Khóa XII), "chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương"…"Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động".
Theo đó, từ năm 2021 áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị; năm 2021 tiền lương thấp nhất của CBCCVC bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp; định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước; đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của CBCCVC cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp; đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của CBCCVC bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay; xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, sẽ có 05 bảng lương đối với CBCCVC và lực lượng vũ trang, cụ thể:
1. Bảng lương chức vụ áp dụng đối với CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc: (1) Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới; (2) Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương, không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.
2. Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với CCVC không giữ chức danh lãnh đạo. Mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích CCVC nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.
3. Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
4. Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;
5. Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Lê Hoàng
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...