Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên: Công trình văn hóa lớn
09/01/2012 08:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mong mỏi của đông đảo đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sắp trở thành hiện thực khi công trình Tượng đài Bác Hồ được gấp rút triển khai, kịp hoàn thành vào dịp kỷ niệm 122 năm sinh nhật Bác (19-5).
Mong mỏi của đông đảo đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sắp trở thành hiện thực khi công trình Tượng đài Bác Hồ được gấp rút triển khai, kịp hoàn thành vào dịp kỷ niệm 122 năm sinh nhật Bác (19-5). Bao nhiêu thơ nhạc, bao nhiêu công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa… về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là chưa đủ với những người con sống trên dải đất Tây Nguyên hùng vĩ này. Bác chưa một lần đến Tây Nguyên, nhưng với đồng bào các dân tộc ở đây, Bác là “sức mạnh tinh thần”, là ánh sáng giúp họ vượt qua bao gian nguy, ngay cả trong những tháng ngày “đói cơm lạt muối” suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Mong ước có một công trình về Bác để tỏ lòng yêu kính Người đã có trong người dân từ cách đây mấy mươi năm trước… Lòng dân Tây Nguyên với Bác Hồ Theo lời kể của một số lão thành cách mạng, vào những năm 60 của thế kỷ trước, một người Jrai ở xã Ia Lang, huyện Đức Cơ đã đúc thủ công một tượng Bác Hồ bằng đồng tặng cho chi bộ xã. Bức tượng chỉ cao 12,5 cm nhưng luôn được đặt trang trọng trong lễ kết nạp đảng viên mới và truyền từ chi bộ này đến chi bộ khác. Sau đó, tượng Bác được truyền đến tay những chiến sĩ cộng sản. Họ truyền tay nhau, người ngã xuống truyền cho đồng đội với lời căn dặn: “Các đồng chí dù có phải hy sinh cũng quyết giữ lấy tượng Bác để làm cách mạng”. Cứ thế, bức tượng luôn được gìn giữ cẩn thận qua bao trận càn quét của địch. Được xem là chứng nhân của lịch sử, bức tượng hiện là hiện vật quý được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai-Kon Tum.
Đối với đồng bào Jrai, Bahnar ở Gia Lai, nhiều người dù chưa một lần gặp Bác nhưng Bác luôn hiện hữu trong đời sống tinh thần của họ. Người Bahnar gọi Bác là “Bok”, người Jrai gọi Bác là “Ơi”. Bok hay Ơi đều là ông, ông với hàm chứa kính trọng, thương yêu. Ông Ngô Thành- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum từng có thời gian dài gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai, kể lại: “Người Tây Nguyên kính phục Bác tài giỏi, sánh Bác với các anh hùng trong trường ca, sử thi. Người Jrai thì gọi Bác là “aná Yang” (người thánh) và ca ngợi tài của Bác là “Ơi Htai rơgơi Đut Klah” (dũng cảm và tài giỏi phi thường). Họ đưa Bác vào các bài cầu khấn “Vah Kyang bang ơi dai, brơi ơi hơdip nanao” (Khấn thần, cầu trời, Bác được sống mãi mãi). Tình cảm sâu sắc của người dân Tây Nguyên với Bác đã đi vào những câu chuyện, những việc làm cụ thể hàng ngày. Với họ, Bác tuy là một lãnh tụ nhưng gần gũi vô cùng, là hơi thở, là cuộc sống của họ. Sinh thời, Anh hùng Núp-người từng được nhiều lần gặp Bác-đã để tang Bác 100 ngày, không cạo râu, không cắt tóc khi hay tin Bác mất. Còn đồng bào, dù không có tín ngưỡng thờ cúng-bởi với họ, sau lễ bỏ mả là cắt đứt mọi sợi dây ràng buộc với người chết- nhưng nhà nhà lập bàn thờ Bác với niềm kính yêu, thương tiếc vô hạn. Hiện nay, nhiều gia đình vẫn thờ ảnh Bác nơi trang trọng trong những nếp nhà sàn. Lòng dân Tây Nguyên với Bác đặc biệt còn khắc ghi qua câu chuyện góp gỗ xây lăng Bác ở Hà Nội (năm 1973). Những cây gỗ quý giá trăm năm tuổi ở rừng nguyên sinh Kon Hà Nừng đã góp vào công trình lăng Bác. Sức mạnh nào, nếu không phải là tình yêu vô bờ bến dành cho Bác kính yêu khiến nhân dân có thể thực hiện công việc khó khăn đến thế khi phải vượt đường xa, suối sâu đưa gỗ ra tới thủ đô. Có thể kể ra không hết những câu chuyện cảm động về tình dân, lòng dân dành cho Bác kính yêu. Và, tấm lòng của Bác đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng thật sâu nặng. Trong thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku ngày 19-4-1946, Bác căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê Đê, Sê Đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Tôi tuy xa nhưng lòng tôi và Chính phủ luôn gần gũi đồng bào…”. Công trình thời đại Với lẽ trên, công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) có ý nghĩa đặc biệt “Là công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn. Đây là món quà mà Đảng, Nhà nước tặng cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai và toàn Tây Nguyên nói chung”- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật công trình, khẳng định. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo- Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Điêu khắc (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng: “Đây là công trình có tính chất thời đại, như cuốn sử bằng nghệ thuật tạo hình lưu lại mai sau về tình cảm của Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên và của nhân dân Tây Nguyên với Bác”. Đây còn được xem là công trình của trí tuệ tập thể với thành viên Hội đồng Nghệ thuật là những người có uy tín trên các lĩnh vực điêu khắc, mỹ thuật, hội họa… Họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Ngoài những lĩnh vực thuộc chuyên môn, tỉnh Gia Lai đã tổ chức cho các già làng Gia Lai tới công trường thi công tại khu vực Sân bay Gia Lâm-Hà Nội để góp ý về nội dung khắc họa trên các bức phù điêu. Từ những chi tiết rất nhỏ trên bức phù điêu như bóng cây kơ nia, hay tư thế vít cần rượu, chúng tôi đều phải thực hiện thật tỉ mỉ theo góp ý của các già làng để bật lên sức sống, hơi thở của Tây Nguyên đại ngàn, hoàn toàn không thực hiện theo cảm quan chủ quan của người làm nghệ thuật”. Là một trong những già làng tham gia góp ý hoàn thiện bức phù điêu tại Hà Nội, già làng Đinh Tờng-làng Hợp, thị trấn Kbang, huyện Kbang bày tỏ: “Đoàn già làng đã góp ý một số chi tiết chưa phù hợp để hoàn thiện bức tranh (bức phù điêu) rồi. Mình thấy nó rất đẹp, nội dung rất ý nghĩa. Dân làng đang rất mong tượng Bác được đưa về Gia Lai để bà con được nhìn thấy Bác”. Với Nhà giáo Nhân dân Siu Pơi-người may mắn được 5 lần gặp Bác- việc công trình Tượng đài được chọn đặt tại Gia Lai có ý nghĩa đặc biệt với ông, thỏa mong ước của một người trọn cuộc đời sống và làm việc theo lời Bác dạy. “Không phải ai cũng có may mắn được gặp Bác Hồ như tôi. Vì thế mà mong ước có một công trình ý nghĩa như thế này là mong ước của toàn thể đồng bào các dân tộc ở toàn Tây Nguyên. Mong ước ấy nay sắp trở thành hiện thực”. Ngoài vẻ đẹp của một công trình kiến trúc, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên hiện giữ kỷ lục về bức tượng đồng lớn nhất, bức phù điêu bằng đá lớn nhất Việt Nam. Rồi đây, trong không gian văn hóa-lịch sử Tây Nguyên, Tượng đài sẽ góp một phần ý nghĩa làm nên giá trị trường tồn của không gian văn hóa-di sản này.
Theo Báo Gia Lai
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...