Kông Chro: Triển khai nhiều mô hình khuyến nông

20/12/2011 01:23 PM


Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và các nguồn vốn khác, mỗi năm Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro (Gia Lai) đã triển khai nhiều mô hình thử nghiệm giống, cây trồng, vật nuôi và mở lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Theo đó, nhiều giống cây trồng năng suất cao bước đầu đã được đưa vào trồng đại trà, đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo…

Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và các nguồn vốn khác, mỗi năm Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro (Gia Lai) đã triển khai nhiều mô hình thử nghiệm giống, cây trồng, vật nuôi và mở lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Theo đó, nhiều giống cây trồng năng suất cao bước đầu đã được đưa vào trồng đại trà, đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo…

Trong năm 2011, Trạm Khuyến nông Kông Chro đã thực hiện một số mô hình như: Dự án lai cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, dự án khí sinh học sử dụng phụ phẩm trong nông nghiệp và chăn nuôi, thực hiện mô hình trình diễn lúa nước, trồng tre lấy măng, nuôi cá nước ngọt, cơ giới hóa trong sản xuất mía… Từ những mô hình trên, nông dân có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm không còn là chuyện hy hữu và nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Nông dân huyện Kông Chro đưa giống mới vào sản xuất. Ảnh: Lê Nam
Nông dân huyện Kông Chro đưa giống mới vào sản xuất. Ảnh: Lê Nam

Mô hình thử nghiệm măng tre Điền Trúc thực hiện đầu tiên ở Kông Chro vào năm 2006 với diện tích khoảng 5 ha, đến nay đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Diện tích măng tre Điền Trúc đã được nhân rộng và tăng lên hơn 60 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Đak Pơ Pho, Yang Trung và thị trấn Kông Chro. Cùng với đó, lúa nước là loại cây trồng chiếm vị thế chủ lực ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện mô hình trình diễn lúa nước tại 2 xã Yang Nam và Chư Krêy, qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, cây lúa nước bước đầu phù hợp với trình độ thâm canh, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương, năng suất đạt 60-65 tạ/ha. Trước đó, nhiều giống lúa mới như TH 85, DV 108, Khang Dân 18, Hương Cốm, Hương Thơm 1… qua nhiều năm trồng thử nghiệm đã được đưa vào sử dụng đại trà, năng suất bình quân đạt 4,5-5 tấn/ha.

Ông Nguyễn Quang Quốc- Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro cho biết: Chúng tôi xác định nhu cầu của người dân, chọn cây, con giống phù hợp với điều kiện, trình độ sản xuất của đồng bào để triển khai và thường xuyên tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất… Ngoài ra, mỗi mô hình, chúng tôi thường triển khai từ 3 đến 5 năm, giúp cho người dân tiếp cận và quen dần với phương thức sản xuất mới.

 

Các hộ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt thông qua việc tận dụng quỹ đất đào ao nuôi cá. Đa dạng hóa sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp, huyện đã cấp hơn 48.500 con cá trắm, chép, mè, rô giống cho 72 hộ ở các xã: Sơ Ró, Đak Kơ Ning, An Trung và thị trấn nuôi thả. Mô hình nuôi cá nước ngọt tận dụng diện tích ao hồ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất đạt hơn 1.125 kg/sào. Sản lượng cá hàng năm không chỉ góp phần cải thiện bữa ăn thường nhật mà còn xuất bán ra thị trường, tăng thu nhập.

Mô hình khuyến nông huyện Kông Chro đã tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Báo Gia Lai