Gia Lai: Triển vọng kinh tế năm 2012
19/12/2011 08:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2011 khép lại với bức tranh kinh tế của tỉnh được tô đậm bởi những mảng màu sáng: GDP tăng khá, xuất khẩu vượt đích, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng… Khó có thể nói hết những nỗ lực qua một năm phấn đấu để đưa “con thuyền” kinh tế của tỉnh “vượt sóng” để tiếp cận với đại dương. Những thành tựu đạt được không chỉ là cơ sở mà còn là kinh nghiệm vượt khó đi lên.
Cơ hội đan xen rủi ro tiềm ẩn (GLO)- Năm 2011 khép lại với bức tranh kinh tế của tỉnh được tô đậm bởi những mảng màu sáng: GDP tăng khá, xuất khẩu vượt đích, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng… Khó có thể nói hết những nỗ lực qua một năm phấn đấu để đưa “con thuyền” kinh tế của tỉnh “vượt sóng” để tiếp cận với đại dương. Những thành tựu đạt được không chỉ là cơ sở mà còn là kinh nghiệm vượt khó đi lên. Năm 2012 tiếp tục đặt ra nhiệm vụ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng. Đó là nhiệm vụ “thông thường” của một nền kinh tế khi lâm vào tình trạng khó khăn. Song năm 2012 là năm đặc biệt, theo nghĩa đây là năm nền kinh tế lâm vào tình thế hết sức khó khăn, là năm nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình hình, ổn định kinh tế vững chắc để khôi phục lòng tin, hạ thấp lạm phát đến mức giúp doanh nghiệp không lún hơn vào tình thế bi kịch. Ngoài ra, năm 2012 còn một điểm nhấn đặc biệt quan trọng khác: Tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động thực tế mang tính chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng trong bối cảnh bất ổn nghiêm trọng cùng một lúc diễn ra ở cả ba nền kinh tế lớn vốn được coi là đầu tàu của kinh tế toàn cầu là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Trong năm 2012, do độ mở cửa cao, kinh tế Việt Nam chắc chắn chịu tác động tiêu cực từ xu hướng nói trên của thế giới. Các năm trước, trong một bối cảnh quốc tế như nhau, các chỉ số kinh tế cơ bản của Việt Nam đã kém hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Khả năng này có thể lại diễn ra trong năm 2012, thậm chí ở cấp độ gay gắt hơn vì nền kinh tế đang khó khăn, thực lực lại bị suy yếu đi hơn nhiều so với những năm trước. Tuy đã có một số tác động tích cực nào đó, song tình hình kinh tế thế giới năm 2012 nhìn chung sẽ tác động bất lợi nhiều hơn đến sự tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế nước ta. Rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường, nếu có sự tái cơ cấu mạnh mẽ từ Chính phủ, từ các doanh nghiệp, phát huy được các tiềm năng về tài nguyên, lao động... thì nền kinh tế Việt Nam có thể tiến tới giai đoạn ổn định khoảng 2 năm sắp tới, rồi tiếp tục tăng trưởng ở mức độ bền vững hơn. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, rất có thể có một kịch bản khó khăn, kinh tế Việt Nam rơi vào trạng thái vừa tăng trưởng trì trệ, vừa lạm phát cao. Với xu hướng này, Việt Nam sẽ chịu tác động nhiều chiều, nói một cách hình tượng là cả ở “đầu ra” lẫn “đầu vào” cũng như cả quá trình “quay hộp đen”- một từ được sử dụng phổ biến vào những năm 80 thế kỷ trước. Trong khi ta đang loay hoay để thoát khỏi tình trạng công nghiệp gia công là chính để chuyển sang phát triển công nghiệp chế biến và chế tạo là trọng tâm thì các nước phát triển đã bước vào thời kỳ phát triển các ngành hoàn toàn mới. Bối cảnh đó làm cho sự tụt hậu về kinh tế của nước ta vốn đã xa sẽ càng xa. Điều đó yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần được đặt trong sự chuyển dịch cơ cấu mới này chứ không phải theo cơ cấu truyền thống cũ. Ngay chính sách năng lượng cũng cần được xem xét lại một cách nghiêm túc, theo đó cần cân nhắc kỹ lưỡng mối tương quan giữa các dạng năng lượng gây ô nhiễm và dựa trên các nguồn nguyên liệu ngày càng cạn kiệt với các dạng năng lượng tái tạo. Đồng hành với quá trình tái cơ cấu công nghệ là quá trình tái cấu trúc tài chính tiền tệ. Định vị nền kinh tế trong một thế giới đã đổi thay Tốc độ phát triển hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính của Việt Nam là tương đối nhanh, qua đó cải thiện đáng kể của độ sâu tài chính. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về số lượng không tương đồng với chất lượng; xét trong mối tương quan so với các nước trong khu vực thì hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn rất yếu so với các nước cả về mức độ cạnh tranh lẫn tính lành mạnh và an toàn hệ thống. Thị trường bất động sản và cả chứng khoán ngốn một phần đáng kể tín dụng, lúc nóng lúc lạnh tới mức đóng băng. Nợ quốc gia tuy còn ở mức an toàn song vài năm gần đây tăng nhanh, chi trả nợ chiếm tỷ trọng không nhỏ trong khoản chi ngân sách rất hạn hẹp của ta, nhiều doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh làm ăn thua lỗ buộc Nhà nước mà thực chất là người dân vốn khốn khó phải gánh chịu. Bội chi ngân sách kéo dài và ở mức cao, đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả là điều được nói tới nhiều song vẫn chưa thấy có sự cải thiện đáng kể.
Bên cạnh việc rất nghiêm túc rút ra những bài học cay đắng của các nước khác vốn có tiềm năng lớn hơn ta nhiều và có bề dày hàng trăm năm quản lý hệ thống tài chính-ngân hàng để kịp thời ngăn ngừa những hệ quả xấu, cần phân tích xem những bất ổn của thiên hạ trong lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng ra sao tới nền kinh tế nước ta. Chắc rằng, khả năng tranh thủ ODA sẽ eo hẹp hơn; điều kiện vay tín dụng trên thị trường tiền tệ quốc tế sẽ ngặt nghèo hơn; việc thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng không đơn giản. Đó là chưa kể những bất ổn về kinh tế vĩ mô ở nước ta đã làm cho mức tín nhiệm tín dụng bị sụt giảm. Điều này chắc sẽ ảnh hưởng không thuận đến việc huy động vốn để thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm vừa được thông qua. Còn nếu bùng phát một cuộc khủng hoảng mới, nhất là một loạt nước vỡ nợ thì chưa biết hệ quả sẽ thế nào. Thực tiễn, Gia Lai có thể rút ra những bài học trong quản lý, định hướng phát triển và mục tiêu phòng tránh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ những cuộc khủng hoảng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Kết quả tích cực rất đáng khích lệ của kinh tế địa phương thời gian qua, một mặt do sự điều hành quyết liệt, có hiệu quả của tỉnh, mặt khác do mô hình phát triển của tỉnh là mô hình ít hướng ngoại, ít dựa vào khu vực FDI, mô hình này ít bị tổn thương trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng như hiện nay.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế có độ mở càng cao thì các định hướng chiến lược rất cần sự linh hoạt, cân bằng giữa “ngoại lực” và “nội lực”, mô hình khả dĩ, dễ thích nghi khi hội nhập sâu rộng khi kinh tế thế giới bất định. Tới đây, các ngành sản xuất xuất khẩu cũng vẫn cần đẩy mạnh đầu tư, có sự điều chỉnh nhất định để thích ứng với biến đổi của kinh tế thế giới thời hậu khủng hoảng. Đặc biệt là vấn đề đầu tư nhiều hơn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, sẽ tốt và hiệu quả hơn nếu gắn liền với chuyển dịch lao động tương xứng. Vấn đề đa dạng hóa các sản phẩm, tính đến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong nông nghiệp cũng phải chú ý đầu tư các giống cây trồng có giá trị, năng suất cao cần được lưu tâm trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa và “tam nông”. Để đẩy nhanh công nghiệp hóa và hội nhập bền vững thì phải làm sao để người nông dân được tham gia vào quá trình này một cách chủ động nhất. Cần lấy nông dân làm trung tâm, xây dựng nông thôn mới làm khâu đột phá, trong đó có hai vấn đề quan trọng nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn và đào tạo nguồn nhân lực. Lấy hiện đại hóa nông nghiệp làm then chốt. Làm được như thế nông thôn mới đủ điều kiện thu hút công nghiệp và dịch vụ, hiện đại hóa sản xuất và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn. Nếu không có giải pháp hiệu quả thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng hợp lý vào lúc này, sẽ khó tận dụng được thời cơ sớm ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Muốn vậy phải tìm được những điểm còn hạn chế của từng ngành, từng lĩnh vực để nhanh chóng phát triển sau khủng hoảng. Từng bước đi ra khỏi khủng hoảng nhưng đồng thời cũng phải từng bước chiếm lĩnh những lĩnh vực đã có thế mạnh hoặc có điều kiện phát triển. Chúng ta đang sống trong một thời đại của sự thay đổi nhanh chưa từng thấy trên quy mô toàn cầu. Thế giới đã đổi thay và nên định vị tỉnh ta thế nào trong thế giới ấy; đó mới là điều đáng suy nghĩ và có kế sách thỏa đáng nhằm tìm ra cho mình con đường hội nhập có lợi nhất.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024