Gia Lai: Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

15/12/2011 07:40 AM


Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, việc xã hội hóa giáo dục, dạy nghề có những bước tiến vượt bậc.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, việc xã hội hóa giáo dục, dạy nghề có những bước tiến vượt bậc.     

Phát triển giáo dục, dạy nghề là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sau 5 năm thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, dạy nghề (2006-2011), hệ thống giáo dục- đào tạo của Gia Lai đã có những bước phát triển. Nhiều mô hình giáo dục ngoài công lập, liên kết đào tạo nghề, từ xa, tại chức… đã mang lại nét mới trong môi trường giáo dục của tỉnh nhà, không chỉ giúp người dân có điều kiện học tập thuận lợi, phát triển nguồn lao động có tay nghề, còn tạo điều kiện cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức bổ sung những kiến thức cơ bản, chuẩn hóa bằng cấp để nâng cao hiệu quả công tác…

Đào tạo nghề cho thanh niên. Ảnh: Đức Thụy
Đào tạo nghề cho thanh niên. Ảnh: Đức Thụy

Đến nay, 100% các xã, phường trên toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học- xóa mù chữ, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 trở lên đạt 93,32%. Gia Lai đã được Bộ Giáo dục- Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thu được những thành quả đáng khích lệ khi 17 huyện, thị xã, thành phố và 210/222 xã, phường, thị trấn đã thành lập được Hội Khuyến học với 2.176 chi hội, nâng số lượng hội viên lên 109.900 người. Toàn tỉnh hiện có 189 xã có trung tâm học tập cộng đồng... Với sự vận động đóng góp nhiều nguồn lực khác nhau, Quỹ Học bổng Nay Der đã nhận được hơn 22,4 tỷ đồng, góp phần giúp đỡ nhiều học sinh có điều kiện đến trường.

Trong 5 năm qua, tổng chi cho giáo dục- đào tạo của tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 1.700 tỷ đồng, phần còn lại là sự đóng góp của nhân dân và các nguồn lực xã hội để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất cho giáo dục-đào tạo.

Thông qua việc tuyên truyền, nhận thức về xã hội hóa dạy nghề cũng có những bước tiến quan trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 cơ sở dạy nghề công lập và 2 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Các cơ sở này đang từng bước mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong 5 năm, đã có 68.882 lao động được đào tạo nghề, trong đó có 9.673 lao động là người dân tộc thiểu số. Các doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn công tác đào tạo nghề khi đầu tư kinh phí 8,465 tỷ đồng để liên kết đào tạo 13.449 lao động, góp phần giải quyết việc làm cho nguồn lao động nông thôn.

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa giáo dục, dạy nghề của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước chiếm đến 85%, chưa thể thu hút được đông đảo các thành phần kinh tế cùng góp sức. Ông Phạm Ngọc Thạch- Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo đánh giá: “Nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về công tác xã hội hóa giáo dục, dạy nghề chưa thực sự sâu sắc”.

 

Cũng theo ông Phạm Ngọc Thạch, việc xã hội hóa chỉ thực sự hiệu quả ở những địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội phát triển. Vì vậy, Nhà nước không nên đầu tư dàn trải, mà đầu tư vào các địa phương điều kiện khó khăn, tạo sự phát triển cân bằng trong giáo dục. Bên cạnh đó, việc kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào giáo dục còn khó khăn, vì vậy cần có cơ chế đãi ngộ hợp lý để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển giáo dục. Công tác đào tạo nghề, liên kết đào tạo các hệ đại học từ xa, tại chức, liên thông... cũng vậy. Cần nắm bắt nhu cầu thực tiễn để phối hợp với nhà trường, vì hơn hết những người trực tiếp sử dụng các sản phẩm tri thức của giáo dục cần phải lập kế hoạch phối hợp để nhà trường đào tạo nguồn nhân lực phù hợp và cũng nên có sự giám sát để đánh giá chất lượng đào tạo...

Xã hội hóa giáo dục, suy cho cùng là việc huy động các nguồn lực khác nhau của xã hội và cả sự tham gia công sức, trí tuệ của cộng đồng để phát triển sự nghiệp giáo dục. Vì vậy, cần tích cực trong công tác tuyên truyền để đổi mới suy nghĩ của người dân, xóa bỏ tư tưởng bao cấp mà phải tự đặt ra trách nhiệm cho mình. Thu hút được sự quan tâm nhiều hơn từ các doanh nghiệp để đầu tư phát triển giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Theo Báo Gia Lai