Gia Lai: Tái canh để cây cà phê phát triển bền vững

12/12/2011 01:57 PM


Tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này trên 77 ngàn ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh chiếm 75.224 ha. Không ai phủ nhận giá trị kinh tế cây cà phê nhưng theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, việc canh tác cà phê trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với những thách thức nhất định.

Tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này trên 77 ngàn ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh chiếm 75.224 ha. Không ai phủ nhận giá trị kinh tế cây cà phê nhưng theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, việc canh tác cà phê trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với những thách thức nhất định.
 
Diện tích cà phê trồng trong điều kiện đất đai không phù hợp, thiếu nguồn nước tưới trên 111 ha; trên 11.295 ha cà phê có độ tuổi 15-20 năm được xếp vào danh sách già cỗi; hơn 16.000 ha cà phê có độ tuổi 8-15 năm cần cải tạo vì chất lượng vườn cây hiện tại quá xấu; sâu bệnh hại xuất hiện lưu niên kìm hãm sự sinh trưởng, phát triển cà phê; quy trình trồng không có cây che bóng mát, chắn gió nên vườn cà phê phát triển không đều; cơ cấu giống cà phê Robusta chiếm đến 96% tổng diện tích. Đặc biệt, việc thu hái cà phê hiện nay theo cách tuốt cành hạt xanh, hạt chín lẫn lộn; việc bảo quản phần lớn dựa vào kinh nghiệm khiến năng suất, chất lượng cà phê không cao. Cuối cùng là giá trị cây cà phê mang lại cho người trồng và đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm chưa ngang tầm với tiềm năng vốn có. 
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhằm nâng cao vị thế cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có những động thái tích cực từng bước khắc phục hạn chế nêu trên. Đó là thông tin bộ giống cà phê vối năng suất, chất lượng cao đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận như giống TR4, TR5, TR6… để người trồng cà phê tìm mua đưa vào canh tác, thay thế giống cũ. Hướng dẫn nông dân trồng cây chắn gió kết hợp đưa các loại cây trồng ngắn ngày như bắp, đậu đỗ các loại vào trồng luân canh để hạn chế tối thiểu tình trạng nấm, tuyến trùng gây hại trong đất, giúp vườn cà phê phát triển tốt và đồng đều. Thực hiện đồng bộ giải pháp chăm sóc cây cà phê quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 chống, 3 tăng”. Trên cơ sở rà soát, phân loại diện tích cà phê kém chất lượng, cơ quan chuyên môn đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thử nghiệm trồng tái canh cây cà phê tại một số nơi với diện tích 380 ha.
 
Thông tin từ lãnh đạo Công ty Cà phê Ia Grai cho biết: Quy trình tái canh cây cà phê tại doanh nghiệp này tiến hành từ năm 2007, tổng diện tích đưa vào tái canh là trên 120 ha. Hầu hết các vườn cà phê tái canh đều sinh trưởng, phát triển khá tốt. Tỷ lệ cây sống, năng suất đạt cao, sản lượng cà phê tái canh năm 2007 đạt bình quân 28 kg/hố trồng đôi; năm 2008 đạt 32 kg và năm 2009 đạt 19 kg. Kết quả trên thực hiện quy trình đồng bộ 6 bước: Làm đất, chọn giống, trồng, đầu tư chăm sóc, chắn gió, tưới và thu hái. Trong đó, khâu làm đất được xác định là khâu quyết định sự sinh trưởng của các vườn cà phê tái canh. Quy trình làm đất phải dùng máy loại bỏ tất cả cây, thân, cành, lá, rễ trong lô cần tái canh, không được trồng lại vị trí đã trồng.
 
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT thì, tái canh là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng cà phê hạt, khẳng định uy tín cà phê Gia Lai đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đặt nền tảng vững chắc xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai. Đồng thời, tái canh sẽ tạo ra bước đột phá thay đổi tập quán thâm canh, thu hoạch trước đây. Thế nhưng, việc nhân rộng mô mình tái canh cà phê hiện nay đang đối diện với nhiều khó khăn, nhất là vốn đầu tư. Tính toán của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, tổng chi phí đầu tư 1 năm trồng mới và 2 năm chăm sóc cho 1 ha cà phê tái canh khoảng 100 triệu đồng. Với định suất đầu tư này, nông dân và doanh nghiệp cà phê không đủ khả năng thay thế hết diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng. Vấn đề đặt ra là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho chương trình tái canh diện tích cà phê đã hết chu kỳ kinh doanh 25 năm; cho nông dân vay vốn lãi suất ưu đãi để trang bị máy móc, vật tư phân bón đầu tư. Bên cạnh đó, người trồng cà phê cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành nhóm, câu lạc bộ, hợp tác xã chuyên ngành cà phê làm cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, bảo quản, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

Theo Báo Gia Lai