Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương làm việc tại Gia Lai

07/12/2011 03:42 PM


Sáng 6-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, đoàn công tác Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do bà Lê Thị Thu Ba- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Gia Lai. Các ông: Phạm Đình Thu- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trưởng Ban cải cách tư pháp tỉnh Gia Lai, ông Hoàng Công Lự- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai dự và chủ trì buổi làm việc.

Sáng 6-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, đoàn công tác Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do bà Lê Thị Thu Ba- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Gia Lai. Các ông: Phạm Đình Thu- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trưởng Ban cải cách tư pháp tỉnh Gia Lai, ông Hoàng Công Lự- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai dự và chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã được nghe đại diện ban cải cách tư pháp tỉnh Gia Lai báo cáo tình hình, kết quả công tác cải cách tư pháp tại Gia Lai. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt đến các cán bộ chủ chốt toàn tỉnh, đồng thời ban hành kế hoạch, quyết định thành lập ban chỉ đạo để giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện.

 
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lê Hòa
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lê Hòa
Từ năm 2004 đến 1-7-2009, 17/17 Tòa án Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã được Quốc hội giao thực hiện thẩm quyền xét xử theo quy định tại Khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự và điều 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Theo đó, thẩm quyền điều tra, truy tố của các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân trong tỉnh cũng được tăng. Từ đó đến nay, các Tòa án Nhân dân cấp huyện đã giải quyết theo thẩm quyền mới 808 vụ, việc, trong đó có 578 vụ án hình sự và 230 vụ án dân sự. Theo đánh giá, các vụ án hình sự được thụ lý theo thẩm quyền mới đảm bảo đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội hoặc bỏ loạt tội phạm…

Về vấn đề chuẩn bị điều kiện thành lập Tòa sơ thẩm khu vực, đến nay cơ bản đã thống nhất các ngành, dự kiến số lượng và địa điểm đặt trụ sở TAND sơ thẩm, Viện Kiểm sát Nhân dân dân khu vực. Theo đó, toàn tỉnh sẽ xây dựng 9 Tòa sơ thẩm, Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực tại các địa phương: TP. Pleiku, Chư Pah, Mang Yang, Chư Prông, Chư Sê, Ayun Pa, Krông Pa, Kbang và thị xã An Khê.

Đối với vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, mặc dù tình hình tội phạm nói chung và tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng các năm qua đều tăng, song các cơ quan tư pháp cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo luật định. Trong 6 năm qua, ba ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án hai cấp đã xác định 241 vụ án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử nhanh phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Các vụ án trên đều được xử lý nhanh, đảm bảo thời hạn giải quyết.

Song song với việc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ tư pháp trong sạch vững mạnh cũng được đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, ngành tư pháp Gia Lai hiện vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động: Cơ sở vật chất, trang-thiết bị còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt là số cán bộ ở cấp huyện chưa đáp ứng trình độ, năng lực chuyên môn, các khoản phí hỗ trợ cho hoạt động tư pháp quá thấp và lạc hậu so với tình hình hiện nay, giữa các đơn vị có lúc, có nơi chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong hoạt động, làm ảnh hưởng đến kết quả và quá trình điều tra, xét xử…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba, nhận định: Công tác cải cách tư pháp tại Gia Lai được triển khai khá hiệu quả và đồng bộ, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức. Hơn nữa, đây là tỉnh thời gian qua xảy ra khá nhiều vụ án mới, phức tạp liên quan đến đổ nợ, bể nợ do tín dụng “đen”… Do vậy, các ngành, các đơn vị phải vào cuộc mạnh hơn, đồng bộ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng trên.

Về phía địa phương, ông Phạm Đình Thu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trưởng Ban cải cách tư pháp tỉnh cũng nhắn nhủ tới Ban chỉ đạo cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa tới việc tăng mức hỗ trợ, phí công tác… cho đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp. Địa phương cũng cần tăng cường thu hút và bố trí bộ phận cán bộ pháp y và quan trọng nhất là chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập Tòa sơ thẩm khu vực.

Theo Báo Gia Lai