Nghĩa tình O Ngol

05/12/2011 07:53 AM


Trên đường vào Chư Prông (Gia Lai) mùa này dã quỳ nở rộ, màu vàng của loài hoa dại quyện với hương cà phê đang mùa thu hoạch hiển hiện một Tây Nguyên trù phú, yên bình. Nhưng còn nhiều điều thú vị trên con đường lên biên giới lần này…

Trên đường vào Chư Prông (Gia Lai) mùa này dã quỳ nở rộ, màu vàng của loài hoa dại quyện với hương cà phê đang mùa thu hoạch hiển hiện một Tây Nguyên trù phú, yên bình. Nhưng còn nhiều điều thú vị trên con đường lên biên giới lần này…

Bất ngờ và thú vị

Trong khuôn khổ Hội thảo Báo Đảng miền Trung- Tây Nguyên, sáng 3-11, các đoàn  đã có chuyến thực tế đến làng Ongol, xã Ia Vê, huyện Chư Prông thăm mô hình xây dựng nông thôn mới và dự lễ khánh thành công trình nước sạch của làng trị giá trên 1 tỷ đồng. Trên đường đến xã các đoàn đã vất vả để vượt qua một đoạn đường đất có lẽ nhiều tiếng thở dài đã buông lên ái ngại cho chuyến đi này. Thế nhưng vào làng, con đường nhựa thẳng tắp và những em học sinh đang tung tăng từ trường về nhà, những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt người dân nơi đây thể hiện sự sung túc trong cuộc sống.

 
Hòa nhịp điệu xoang. Ảnh: Đức Thụy
Hòa nhịp điệu xoang. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều nhà báo trầm trồ thán phục về sự đón tiếp nồng hậu của dân làng. Sau những lần đi biểu diễn khắp nơi về, lần này đội cồng chiêng của làng lại tấu âm thanh của rừng núi Tây Nguyên, những đôi chân bước trong điệu xoang mà nhiều phóng viên báo bạn ít khi được chứng kiến. Nhiều người lập tức tác nghiệp. Hàng chục chiếc máy ảnh hướng ống kính về những chàng trai, cô gái Jrai đang quay cuồng trong điệu xoang. Anh bạn đồng nghiệp của tôi tại Báo Hà Tĩnh trầm trồ: “Đồng bào mến khách quá. Quả thật tôi bất ngờ về đời sống của người dân nơi đây, những ngôi nhà nằm xen giữa vườn cà phê và tiêu đang lên xanh gợi nên một khung cảnh nông thôn yên bình, văn minh và trù phú”. Quả thật anh bạn ấy đã nhận ra điểm cốt lõi của ngôi làng này, đây là giá trị kết tinh của văn hóa bản địa và có sự đan xen của cộng đồng các dân tộc anh em cộng cư.


Nhờ sự giúp đỡ của Chủ tịch UBND huyện Chư Prông ông Bùi Viết Hội, tôi mới tìm được già làng của làng Ongol. Sau cái bắt tay xã giao giới thiệu của Chủ tịch huyện, già làng Rơ Mah Chun cười thật tươi. Ông cho biết: “Mình ưng cái bụng lắm. Làng mình sáng nay được đón khách quý, đội cồng chiêng đã chuẩn bị sẵn, trẻ em trong làng ăn mặc đẹp hơn để đón khách. Làng mình bây giờ đã khác xa rồi, cán bộ nhìn kìa, đường nhựa thẳng tắp, nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc”. Qua câu nói của già làng, tôi khám phá ra một điều thú vị trước cổng mỗi ngôi nhà của người dân làng Ongol đều treo cờ Tổ quốc và câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.    

Sức mạnh cộng đồng

Làng Ongol có diện tích hơn 300 ha với 94 hộ dân sinh sống, trong đó đồng bào Jrai chiếm đến 90%, đây là làng văn hóa kiểu mẫu cấp tỉnh. Diện mạo của nông thôn mới đã định hình rõ khi những ngôi nhà xây khang trang đang mọc lên, con đường nhựa thẳng tắp do công sức và tiền bạc của chính người dân trong làng bỏ ra để làm. Thu nhập bình quân của người dân Ongol hiện nay là 12 triệu đồng/năm, một con số mà ít làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đạt được. Để có được thành quả ấy, dân làng đã đóng góp hàng ngàn ngày công cải tạo 30 ha lúa nước, và góp hơn 100 triệu đồng để làm đập dâng và đào kênh dẫn nước về cho cây lúa thêm xanh.

Hiện làng Ongol có 67 ha cà phê, 10,3 ha tiêu và trên 50 ha cây trồng khác. Đặc biệt người dân trong làng đã mạnh dạn đưa cây cao su vào trồng, với 12 ha cao su tiểu điền. Ông Nguyễn Trúc- Chủ tịch UBND xã Ia Vê cho biết thêm: Dân làng này đã đồng cam cộng khổ để xây dựng ngôi làng thêm khang trang, hàng ngàn ngày công đã được bỏ ra từ làm đường cho đến nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong làng hễ  ai có việc gì khó khăn là được bà con đến giúp sức, chia sẻ với nhau. Cùng với đó, ở đây có trên 10 hộ thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Sau khi thăm làng, các đoàn công tác được dân làng Ongol mời cơm lam thịt nướng. Bữa ăn đơn sơ mà ấp áp, nghĩa tình. Bên những ché rượu cần sóng sánh tiếng cồng chiêng vang lên những cang rượu được rót đầy, nhiều vị khách ngất ngây trong men rượu và nghĩa tình. Cái tình của người Tây Nguyên là thế, đơn sơ thôi nhưng ấm áp!

 
Chia tay Ongol, đoàn xe lăn bánh, những ống cơm lam được bà con gửi làm quà cho các đoàn như một chút tình của người dân nơi đây.
 

Theo Báo Gia Lai