Nhà rông truyền thống: Không thể là cái xác không hồn

02/12/2011 01:28 PM


Người Tây Nguyên quan niệm, nhà rông là nơi khí thiêng của đất trời tụ lại để bảo trợ cho dân làng. Nhìn vào nhà rông, có thể đánh giá được khả năng hội họa và điêu khắc cùng với sự giàu nghèo của buôn làng đó. Có thể nói, nhà rông là một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng (văn hóa làng).

Người Tây Nguyên quan niệm, nhà rông là nơi khí thiêng của đất trời tụ lại để bảo trợ cho dân làng. Nhìn vào nhà rông, có thể đánh giá được khả năng hội họa và điêu khắc cùng với sự giàu nghèo của buôn làng đó. Có thể nói, nhà rông là một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng (văn hóa làng).

Tuy nhiên, hiện nay việc sinh hoạt ở nhà rông của làng đang đi vào chỗ quên lãng. Bên cạnh nhịp sống mới khiến nhiều người dân dường như không còn thiết tha với nhà rông thì một trong những nguyên nhân chính là dấu ấn nhà rông truyền thống đã mất đi tính linh thiêng. Đến nhiều làng hiện nay, sẽ không còn thấy nhà rông truyền thống mà thay vào đó là những nhà rông bằng bê tông, cốt thép. Với một cách nhìn thiển cận thì cho đấy là lối kiến trúc kết hợp truyền thống và hiện đại, bền, đẹp và tiện dụng. Tuy nhiên, đặt vào hoàn cảnh ở nơi đây mới thấy là việc xây dựng nhà rông bê tông, cốt thép sẽ làm mất đi cái hồn và sự thiêng liêng của nó.

 
Ảnh: Huy Tịnh
Ảnh: Huy Tịnh
Vì vậy, những nhà rông hiện đại không thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân ở Tây Nguyên. Thực tế cho thấy, hầu như những nhà rông bằng xi măng, cốt thép, lợp tôn ở một số làng đa phần đều bị bỏ hoang. Một số già làng cho rằng: “Họ xây tặng thì mình nhận, nhưng đó không phải là nhà rông như trước kia đâu. Làng từ lâu đã không còn nhà rông rồi. Đó là cái hội trường cho cán bộ thôn họp thôi.


Lễ hội chỉ được tổ chức hôm khánh thành, sau đó thì chẳng có gì nữa”. Một nguyên nhân cũng quan trọng không kém là hiện rừng ở đây đang bị mất dần và không còn như trước đây nên việc xây dựng nhà rông bằng vật liệu thiên nhiên chẳng phải dễ. Có già làng tâm sự: “Mấy năm trước vào rừng sâu còn kiếm được, chứ bây giờ thì chịu, hết hẳn rồi. Rừng cứ lùi mãi thế này thì nhà rông cũng khó mà trụ được!”. Rừng không còn, dân làng cũng không thể nghĩ đến chuyện sửa chữa, tu bổ những nhà rông truyền thống bị hư hỏng.

Thiết nghĩ, phong trào xây dựng, tu sửa cái phần “xác” nhà rông như hiện nay thật sự không mang lại hiệu quả. Vì vậy, để các hoạt động văn hóa đậm bản sắc dân tộc được duy trì và bảo tồn thì nhà rông-linh hồn, phần “thiêng” trong tâm hồn và tín ngưỡng của người dân phải được phục dựng nguyên bản thì đời sống tinh thần và bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên mới mong được giữ gìn và phát huy hiệu quả. Trong đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo tồn khẩn cấp và nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số, tạo điều kiện phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng cũng cho biết đề án sẽ được thực hiện với quan điểm xuyên suốt: Nhà nước không làm thay, chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tác động tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, phù hợp để bảo tồn, phát triển văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Theo Báo Gia Lai