Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng: Cần hướng vào giới trẻ!

01/12/2011 07:33 AM


Từ thời điểm cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh cho đến nay, ở các địa phương trong tỉnh đã có rất nhiều hành động cụ thể để phát triển hình thái văn hóa độc đáo này. Những liên hoan cồng chiêng từ cấp cơ sở đến quốc tế cũng đã được tổ chức, liên hoan cồng chiêng ở nhiều lứa tuổi khác nhau; ở cấp xã liên hoan cồng chiêng các làng với nhau được tổ chức gần như định kỳ mỗi năm.

Từ thời điểm cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh cho đến nay, ở các địa phương trong tỉnh đã có rất nhiều hành động cụ thể để phát triển hình thái văn hóa độc đáo này. Những liên hoan cồng chiêng từ cấp cơ sở đến quốc tế cũng đã được tổ chức, liên hoan cồng chiêng ở nhiều lứa tuổi khác nhau; ở cấp xã liên hoan cồng chiêng các làng với nhau được tổ chức gần như định kỳ mỗi năm.

Không chỉ dừng lại ở những cuộc liên hoan, việc gìn giữ và phát triển cồng chiêng cũng đã được đưa vào trường học như ở một số trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh. Tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang, trong những năm qua bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường còn chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các em đội viên thiếu niên, nhất là việc duy trì và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

 
Liên hoan Cồng chiêng thanh-thiếu niên tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Đức Thành
Liên hoan Cồng chiêng thanh-thiếu niên tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Đức Thành
Hiện nay ở trường có 5 đội cồng chiêng thuộc 5 khối lớp (lớp 6 đến lớp 9), mỗi khối lớp như vậy có một đội cồng chiêng và một đội múa xoang với 30 thành viên. Với việc đưa cồng chiêng, các trò chơi dân gian… vào trường học đã tạo được sự phấn chấn cho học sinh trong việc học tập và rèn luyện.

 

Để bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng, nhiều đội cồng chiêng thanh-thiếu niên trên địa bàn tỉnh đã được thành lập. Nhiều chi đoàn của các làng đã tự nguyện gây quỹ để mua cồng chiêng, như xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ. Hàng tháng đội cồng chiêng của làng Jun, xã Yang Bắc đều tổ chức tập các bài chiêng cũng như luyện tập cho lớp thanh niên tại nhà rông văn hóa của làng. Tại đây, thanh niên trong làng được già Đinh Bre tập cho từng động tác cơ bản như cách cầm chiêng, đánh những bài chiêng truyền thống. Hoạt động này được nhiều thanh niên nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Xã Yang Bắc có 15 làng và làng nào cũng có đội cồng chiêng.

Vừa qua, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Gia Lai phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Cồng chiêng thanh-thiếu niên tỉnh Gia Lai năm 2011. Lần đầu tiên tổ chức diễn tấu cồng chiêng của lứa tuổi thanh-thiếu niên là nhằm làm cho các em biết yêu quý, tự hào về những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc mình và qua đó góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản của nhân loại.

Theo Báo Gia Lai