Trường trung học cơ sở thân thiện: “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”

25/11/2011 08:01 AM


Từ tháng 10-2007, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Mang Yang (Gia Lai) được thụ hưởng dự án “Trường THCS thân thiện” do Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức. Nhận định về kết quả sau 4 năm thực hiện trên 4 đơn vị trường THCS: Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Quang Trung và Đak Ta Ley, ông Tạ Văn Tước, Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Mang Yang, khẳng định: “4 đơn vị trường học đã đạt được nhiều thành công so với yêu cầu của dự án và thực tế địa phương”.

Từ tháng 10-2007, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Mang Yang (Gia Lai) được thụ hưởng dự án “Trường THCS thân thiện” do Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức. Nhận định về kết quả sau 4 năm thực hiện trên 4 đơn vị trường THCS: Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Quang Trung và Đak Ta Ley, ông Tạ Văn Tước, Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Mang Yang, khẳng định: “4 đơn vị trường học đã đạt được nhiều thành công so với yêu cầu của dự án và thực tế địa phương”.

Được xây dựng trên cơ sở Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, mô hình thí điểm trường THCS thân thiện đã triển khai tại 50 trường THCS ở 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Gia Lai, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang và Trà Vinh. Cụ thể, trường THCS thân thiện phải đáp ứng đủ 5 thành tố: Tiếp nhận tất cả trẻ em đến trường; hiệu quả giáo dục; môi trường lành mạnh, an toàn, hỗ trợ và bảo vệ; bình đẳng giới; sự tham gia của học sinh, gia đình và cộng đồng vào quá trình xây dựng trường học thân thiện.

Từ hòm thư thân thiện…

 
Ảnh: Phương Duyên
Ảnh: Phương Duyên
“Thưa cô Tổng phụ trách, cô cho em hỏi như học sinh đi xe đạp điện có bị coi là vi phạm an toàn giao thông không?; “Có điều làm em bức xúc đó là các bạn Cờ đỏ không mang dép quai hậu và không đội mũ bảo hiểm thì trừ điểm bao nhiêu? Còn mấy chị lớp 9 uống cà phê trong lớp thì phải làm sao”… Đó là những thắc mắc vừa ngộ nghĩnh vừa xác đáng của học sinh được gửi vào hòm thư thân thiện mang tên “Những điều em muốn nói” của Trường THCS Đak Ta Ley. “Thật không ngờ, các em học sinh lại có nhiều tâm tư đến như vậy”- thầy Đặng Hữu Tụ- Hiệu trưởng nhà trường, cho biết. Qua 3 năm thực hiện, hòm thư đã nhận được hàng trăm lá thư yêu cầu xử lý học sinh vi phạm nền nếp, tác phong, nội quy, vi phạm an toàn giao thông… và đóng góp các ý kiến xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ngoại khóa.


Không chỉ vậy, nhà trường còn nhận được nhiều lá thư rất cảm động. Em T.K.T. (lớp 9B), chia sẻ về một người bạn cùng trường như thế này: “Bé Hoa là người hàng xóm, có gia đình không may mắn. Cha say xỉn tối ngày, về nhà la lối, đánh mẹ bé Hoa bằng chổi. Mẹ bé Hoa đã bỏ vào TP. Hồ Chí Minh, bé Hoa buồn và sa sút việc học. Em viết lên điều này muốn mọi người giúp đỡ bé Hoa…”.

Với lượng thư lớn và đa dạng như vậy, mỗi tuần đại diện nhóm kiểm tra và theo dõi hòm thư cùng Tổng phụ trách Đội đều tổng hợp thư, sau đó lần lượt giải đáp vào các buổi chào cờ. Nhờ có hòm thư góp ý, mọi nền nếp cũng như các hoạt động khác được cụ thể hóa và hoàn thiện hơn, tạo môi trường thân thiện giữa thầy và trò, giữa học sinh với học sinh theo chiều hướng tích cực hơn. Nhà trường cũng đã xem xét và thực hiện những nguyện vọng của các em như trồng cây cảnh, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích… “Có như vậy các em mới thật sự thoải mái và yêu mến trường như nhà của mình”- thầy Tụ nói.

Tại các trường còn lại, mô hình thí điểm này cũng đã đem lại nhiều tác động tích cực. Nét nổi bật ở Trường THCS Lê Quý Đôn là việc thành lập Câu lạc bộ phát thanh Măng non. Với giờ phát thanh 15 phút đầu giờ và giờ ra chơi (2 buổi/tuần), chương trình phát thanh Măng non đã góp phần tuyên truyền các quy định về thực hiện an toàn giao thông, an ninh học đường, giới thiệu các phương pháp học tập đạt hiệu quả cao, gương người tốt việc tốt, ý nghĩa các ngày lễ lớn trong tháng…

Nhờ vậy, học sinh đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, cư xử với nhau hòa nhã, tình nguyện quyên góp hàng trăm bộ quần áo cũ giúp các bạn học sinh vùng khó khăn. Trong khi đó, Trường THCS Quang Trung lại hết sức thành công trong việc vận động và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến lớp bằng cách nắm kỹ danh sách và hoàn cảnh những học sinh thuộc diện này, tổ chức học sinh quyên góp sách vở, quần áo tặng bạn, tổ chức những “đôi bạn cùng tiến”, đề nghị Hội cha mẹ học sinh lập quỹ bảo trợ học đường để giúp học sinh nghèo vượt khó…

“Sẽ nhân rộng mô hình”

Có thể thấy rằng, việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình Trường THCS thân thiện từ năm học 2007-2008 đến nay đã có những tác động sâu sắc đến các trường tham gia dự án tại huyện Mang Yang, nơi có đến 11/12 xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Cô Lê Thị Tâm- Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn- vui mừng cho biết: “Có thể nói, trường nào thực hiện tốt các tiêu chí của trường THCS thân thiện thì các hoạt động giáo dục trong nhà trường sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui tươi để mỗi ngày đến trường của các em là một ngày vui... Nhờ đó, nhà trường có thêm một bước đột phá mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục”. Đây cũng là chuyển biến rõ rệt mà các trường tham gia dự án đều nhìn nhận.

 
Theo thông tin từ Sở Giáo dục-Đào tạo, tới đây các nội dung hoạt động của mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn cấp học tại huyện Mang Yang và nhiều địa phương khác để tạo điều kiện cho những trường không tham gia dự án học tập kinh nghiệm, vận dụng vào điều kiện cụ thể của từng trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 
Theo đánh giá chung của Sở Giáo dục-Đào tạo, từ khi tham gia dự án, tỷ lệ học sinh THCS bỏ học trên địa bàn huyện Mang Yang giảm từ 6% (năm học 2007-2008) xuống còn 0,3% (năm học 2011-2012); đặc biệt, tại Trường THCS Chu Văn An, tỷ lệ học sinh bỏ học năm học 2007-2008 là 1,3% thì đến nay chỉ còn 0,1%. Cùng với việc triển khai dự án, rất nhiều thành tố đã chuyển từ “không” sang “có”  như: Các trường đều được bố trí nhân viên thư viện, có phòng thư viện; đồ dùng dạy học đầy đủ và phù hợp hơn; có phòng chức năng; kỹ năng đánh giá học sinh được tăng lên; có nhà vệ sinh đạt chuẩn; giáo viên áp dụng bình đẳng giới trong giảng dạy…


Mô hình này cũng đã tạo điều kiện cho học sinh tham gia những hoạt động bổ ích, giúp các em gần gũi, thân thiện hơn trong quan hệ với bạn bè, thầy cô, tăng tính chủ động, sáng tạo; phụ huynh học sinh và cộng đồng cũng tăng cường và có hỗ trợ tích cực cho nhà trường; cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư xanh- sạch- đẹp…

THeo Báo Gia Lai