“Liều thuốc” mới chống đầu tư dàn trải ở Gia Lai

24/11/2011 05:56 AM


Việc phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, làm cho kế hoạch đầu tư bị rải khúc, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí là vấn đề đã từng xảy ra trong thời gian qua. Để giải quyết tình trạng này, Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ đã có những điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Việc phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, làm cho kế hoạch đầu tư bị rải khúc, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí là vấn đề đã từng xảy ra trong thời gian qua. Để giải quyết tình trạng này, Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ đã có những điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nhiều nét mới trong Chỉ thị này như: Quy định các nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; bố trí vốn trong kế hoạch năm 2012 và kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Theo chỉ thị, sẽ từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công, tăng biện pháp huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư vào dự án kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có khả năng thu hồi vốn. Điểm mới này mở ra một kênh vốn đầu tư mới thay vì trước đây chỉ có Nhà nước đảm nhận.

 
 
Với chỉ thị này, việc đầu tư dàn trải, gây lãng phí kéo dài sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho các dự án lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giao thông, y tế, giáo dục; các dự án sẽ hoàn thành trước 31-12-2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án dự kiến hoàn thành năm 2012 và vốn đối ứng cho các dự án ODA.


Trách nhiệm của cơ quan quản lý được quy định rõ ràng, chặt chẽ và nghiêm túc hơn. Những dự án được quyết định đầu tư  mà không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn làm cho dự án thi công kéo dài, gây lãng phí thì người ký quyết định phải chịu trách nhiệm về những tổn thất gây ra.

Khó khăn trong quản lý đầu tư công là nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2012-2015 cho các dự án đã có trong danh mục được Quốc hội thông qua là khá lớn, giai đoạn này vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đáp ứng khoảng 36%. Kế hoạch vốn đầu tư phải bám sát mục tiêu định hướng phát triển kinh tế-xã hội theo giai đoạn và được phân khai ra kế hoạch đầu tư từng năm. Cụ thể kế hoạch vốn giai đoạn 2011-2015 thì phải có kế hoạch đầu tư hàng năm và kế hoạch đầu tư giai đoạn. Tuy nhiên trên thực tế, ở Gia Lai hiện nay vẫn chưa thanh- quyết toán vốn chương trình kiên cố hóa trường học 38 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Điểm đáng chú ý trong chỉ thị nói trên là từ năm 2012, không bố trí vốn ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư mới hoặc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tất cả các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ chỉ được thực hiện khối lượng theo mức vốn kế hoạch được giao, không để nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với dự án chưa có khối lượng thực hiện, việc tạm ứng vốn tối đa là 30% kế hoạch được giao hàng năm của dự án, sau khi thanh toán khối lượng hoàn thành mới được cấp phát và ứng chi tiếp theo.

Liên quan đến vấn đề thời gian thực hiện các thủ tục theo chỉ thị mới, tại cuộc họp mới đây do UBND tỉnh tổ chức, ông Phùng Ngọc Mỹ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Các địa phương cần sớm rà soát, tổng hợp kế hoạch thực hiện trong năm tới và các năm tiếp theo, để triển khai đúng kế hoạch.

Theo ông Trần Văn Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, địa phương hiện không thực hiện kịp quy trình trong chỉ thị này, đề nghị tỉnh cho thêm thời gian đến cuối tháng 11 này để làm theo quy trình mới.

Chỉ thị 1792/CT-TTg ra đời siết chặt việc bố trí vốn đầu tư tập trung cho các công trình sắp hoàn thành để phát huy hiệu quả. Đó cũng là giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, triển khai các giải pháp tổng thể về tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công.

Theo Báo Gia Lai