Tiềm lực Ia Vê

17/11/2011 07:37 AM


Chủ tịch UBND xã Ia Vê- huyện Chư Prông, ông Nguyễn Trúc, nói nhanh khi nghe chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về đời sống của người dân ở một vài làng trong xã: Vậy thì mời các anh cùng xuống làng Ongol! Nói rồi anh khởi động chiếc xe mô tô phân khối lớn đưa chúng tôi đi giữa những vườn cà phê đang chín quả màu đỏ xen vàng trông thật đẹp mắt.

Chủ tịch UBND xã Ia Vê- huyện Chư Prông, ông Nguyễn Trúc, nói nhanh khi nghe chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về đời sống của người dân ở một vài làng trong xã: Vậy thì mời các anh cùng xuống làng Ongol! Nói rồi anh khởi động chiếc xe mô tô phân khối lớn đưa chúng tôi đi giữa những vườn cà phê đang chín quả màu đỏ xen vàng trông thật đẹp mắt.

Tấm biển Làng văn hóa Ongol cấp tỉnh không làm tôi ngạc nhiên bằng chính con đường nhựa chạy giữa làng, thoạt trông như một tỉnh lộ bởi mặt đường rộng, phẳng và sạch. Không còn cái thời người ta hay nhìn nhau, đánh giá nhau qua danh hiệu này danh hiệu kia, kiểu như địa phương anh có bao nhiêu nhà văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa mà thực chất chỉ được cái vỏ bên ngoài, đời sống người dân vẫn còn lam lũ nhưng có việc gì thì gióng trống, trương cờ, biểu ngữ treo đầy...

 
Ia Vê xanh. Ảnh: Thanh Phong
Ia Vê xanh. Ảnh: Thanh Phong
Là làng văn hóa cấp tỉnh, Ongol còn là làng giàu nhất xã. Sự trù phú ở Ongol không chỉ hiển hiện qua bề mặt những ngôi nhà dọc hai bên đường làng, nhà nào cũng xây dựng kiên cố, sân phơi xi măng, chảo và ăng-ten truyền hình… mà còn là sự no đủ trong đời sống của gia đình chủ nhân. Chúng tôi ghé vào nhà ông Rơmah Chun, ngôi nhà xây theo kiểu người Kinh, gian giữa làm phòng khách, hai gian bên là phòng ngủ và công trình phụ. Trên tường treo kín bằng khen, giấy khen. Bộ tủ và bàn ghế làm bằng gỗ quý đánh bóng màu đen mờ đặt giữa nhà như ngầm thông tin cho chúng tôi về mức sống của gia đình. Đúng thật! Ông Chun nói tiếng Kinh: Mình có 600 trụ tiêu và 1 ha cà phê đã cho thu hoạch; chưa kể chăn nuôi bò, heo; lúa, bắp thì đủ ăn. Vậy vừa rồi ông bán cà phê, tiêu được bao nhiêu tiền? Ông cười không nói. Tôi tính nhẩm, cũng phải xấp xỉ trăm triệu chứ không ít. Hai vợ chồng, năm người con, ba người đã có gia đình riêng, thu chừng ấy và chắc chắn năm sau sẽ cao hơn năm trước, ông bà tha hồ mua sắm.


Gần nhà ông Chun là một quán tạp hóa đối diện điểm trường Trung học cơ sở của xã. Chủ quán người Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế vào đây từ đầu những năm 1980. Gọi là hàng tạp hóa cũng phải, bởi quán bán đủ các mặt hàng, từ cây kim, khăn mặt, nước mắm cho đến túi xách, quần áo may sẵn. Lúc này một chiếc xe tải nhỏ chở nước uống đóng bình loại 20 lít đến. Thì ra đâu chỉ ở thành phố mà người dân ở đây đã quen dùng nước sạch này từ lâu rồi. Chủ quán cho biết một trăm thùng như vậy tiêu thụ chỉ hơn tuần là hết sạch; còn quán doanh thu mỗi ngày khoảng trên năm triệu đồng.

Chỉ chừng ấy thì chưa thể nói lên tiềm lực của Ia Vê được. Chủ tịch Nguyễn Trúc thuộc làu làu một dãy số liệu như đã được lập trình và cứ thế là thông tin khi nghe tôi hỏi. Ia Vê có 6 làng, 5 thôn, 1.452 hộ và 5.759 nhân khẩu. Các loại cây trồng chủ lực trong nền kinh tế của tỉnh đều có mặt tại xã với 120 ha hồ tiêu (100 ha đã cho thu hoạch), 980 ha cà phê, 100 ha cao su tiểu điền, chưa kể các loại cây trồng khác và hoa màu. Đây là diện tích sản xuất của bà con, Nguyễn Trúc nhấn mạnh. Còn phần bà con nhận khoán của các công ty đứng chân trên địa bàn như: Công ty Cao su Chư Prông, Công ty Cà phê Ia Grai, Công ty Quang Đức thì chưa tính. Vậy tất cả là bao nhiêu? Tôi hỏi tiếp. Lại cũng không cần giở sổ sách, anh Trúc nói luôn: Công ty Quang Đức có 300 ha cao su đã trồng, vừa rồi mới nhận phần chuyển đổi diện tích rừng nghèo tỉnh giao thêm là 500 ha nữa. Công ty Cao su Chư Prông có 300 ha cao su, công ty Ia Grai cũng 300 ha cà phê. Toàn xã có 320 người hợp đồng làm việc cho các công ty: Chư Prông có 90 người, Quang Đức 110 và Cà phê Ia Grai 120 người.

Chừng ấy số liệu, cộng của các công ty và của dân rồi chia cho số hộ trên địa bàn, rõ là tiềm lực của Ia Vê rất mạnh. Bản thân ông Chủ tịch xã cũng là một “tiềm lực” đáng nể. Ông cùng 50 hộ từ xã Cát Minh, huyện Phù Cát (Bình Định) lên đây lập nghiệp theo diện kinh tế mới năm 1996. Ông cũng trưởng thành từ công an viên, lên Trưởng Công an xã và nhiệm kỳ này là Chủ tịch UBND xã. Kinh tế gia đình thì vào hàng số một ở địa phương bởi vợ kinh doanh hàng nông sản và gia đình ông cũng làm đến vài chục ha hồ tiêu và cà phê, thu hoạch mỗi năm trên nửa tỷ đồng. Ngôi nhà ông Nguyễn Trúc ở  làng Ongol là một biệt thự khang trang, thoáng mát, có sân phơi, vườn cây cảnh, ga ra ô tô con. “Tất cả đều từ công sức lao động của hai vợ chồng mà ra đó quý anh ạ!”-anh Trúc khẳng định với chúng tôi như vậy!
 

Rời Ia Vê tôi chợt nhận ra một điều: Chính sự giao thoa giữa các dân tộc và sự giao thoa giữa các ngành nghề cùng trong một cộng đồng đã làm nên điều kỳ diệu ở Ia Vê. Không dễ có một Ongol văn hóa, Ia Vê giàu có như vậy nếu như trong cộng đồng không có người đi trước, làm trước thành công. Thực tế cho thấy một số nơi trong tỉnh cũng đã có các doanh nghiệp làm cao su, cà phê nhưng đời sống của người dân tại chỗ vẫn chưa được cải thiện, trong khi đó cũng trong điều kiện như vậy, Ia Vê phát huy được tiềm lực, đưa đời sống người dân đi lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Rõ ràng tất cả đều xuất phát từ chính ý thức của con người, ý thức quyết tâm xóa nghèo, vươn lên xây dựng thôn làng giàu mạnh.

Theo Báo Gia Lai