“Mổ xẻ” chuyện lạm thu

16/11/2011 07:46 AM


Sáng 11-11, Hội nghị chuyên đề tài chính do Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức với sự tham gia của tất cả các đơn vị trực thuộc đã “nóng” lên với nhiều vấn đề rất được quan tâm hiện nay, đặc biệt là tình trạng lạm thu.

Sáng 11-11, Hội nghị chuyên đề tài chính do Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức với sự tham gia của tất cả các đơn vị trực thuộc đã “nóng” lên với nhiều vấn đề rất được quan tâm hiện nay, đặc biệt là tình trạng lạm thu.

“Nóng” với lạm thu

Nhiều ý kiến tại Hội nghị đã thẳng thắn thừa nhận: Bức xúc của phụ huynh về tình trạng lạm thu là đúng. Ông Nguyễn Chương- Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku cho rằng, có trường vận động thu ít, có trường lại thu quá nhiều khoản nên chắc chắn phụ huynh học sinh sẽ có những so sánh, thắc mắc. Nhìn vào báo cáo các khoản thu ngoài ngân sách của các đơn vị trực thuộc gửi về Sở, có thể thấy các khoản thu này hết sức “phong phú”, không hiếm trường có đến 10 khoản thu, cá biệt có trường gây “choáng” khi danh mục thu có đến… 18 khoản khác nhau.

 
Ảnh: Phương Duyên
Ảnh: Phương Duyên
Xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Cao Đẳng- Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Prông, cũng thừa nhận: Sau khi Báo Gia Lai có bài phản ánh về việc một số trường trên địa bàn huyện thu nhiều khoản chưa hợp lý, Phòng đã cho kiểm tra và thấy đúng là có sai phạm. “Chủ trương là xã hội hóa nhưng mà xã hội hóa hơi… quá đáng. Trường lại cứ bảo là đã thống nhất với phụ huynh, trong Hội đồng giáo dục nên rất khó xử lý. Tuy vậy, Phòng vẫn yêu cầu các trường trả lại một số khoản thu không hợp lý cho phụ huynh học sinh”-ông Đẳng cho biết.


Trao đổi tại Hội nghị, ông Bùi Vạn Tuế- Thanh tra Sở Giáo dục-Đào tạo, khẳng định, quá trình thanh tra trong thời gian qua cho thấy nhiều trường đặt ra những mức thu chồng chéo lên nhau: Quỹ xã hội hóa, quỹ phụ huynh đều cùng chi để khen thưởng học sinh giỏi; có nơi tiền vệ sinh lớp học và vệ sinh cho nhà vệ sinh là 2 khoản khác nhau. “Danh mục quá dài, quá nhiều khoản thu”-ông Tuế nói. Ngoài ra, việc hỗ trợ vận động xây dựng các công trình nhỏ và mua sắm trang-thiết bị phải được dự toán công khai và xin ý kiến cấp chủ quản nhưng thực tế nhiều trường chưa làm theo quy trình trên. Có những khoản nằm trong phạm vi chi của ngân sách như: Điện, sửa máy photocopy hoặc sửa chữa nhỏ nhưng hầu hết các trường đều… vận động thu.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Bá Tiến- kế toán Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, đề xuất: “Phải chăng nên đưa ra một định mức thu để hạn chế những bất cập. Cần ban hành sớm quy định về các khoản thu nhưng phải có định hướng trên cơ sở đề nghị của ngành, chẳng hạn như đưa ra một mức trần cụ thể, từng trường tùy vào tình hình chi tiêu cụ thể để cân đối”. Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị Sở trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu lại và kê ra các khoản gì cấp thiết cần huy động thì mới cho phép các trường huy động để tránh gây khó khăn cho phụ huynh. Mới đây Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng đã ban hành dự thảo Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh, văn bản được xem là “liều thuốc” trị lạm thu. Dự thảo Điều lệ nêu rõ: “Ban Đại diện cha mẹ học sinh không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân, không được quyên góp cho quỹ nếu không theo nguyên tắc tự nguyện.

Cũng theo dự thảo, quỹ này không được sử dụng vào các nội dung như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang-thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình của nhà trường. “Đây chỉ mới là dự thảo, nhưng nếu Bộ ban hành thì hầu như sẽ không còn khoản thu nào nữa”-ông Tuế nói.

Nhiều vướng mắc về tài chính

Bên cạnh lạm thu, đại diện các trường và Phòng Giáo dục-Đào tạo cũng bàn đến nhiều vấn đề khác liên quan đến tài chính. Hầu hết đều cho rằng một vài khoản thu theo quy định của UBND tỉnh (từ năm 2001) như vệ sinh, nước uống, giữ xe… đã quá lạc hậu so với thời giá hiện tại. “Tiền vệ sinh- nước uống mà đến giờ mỗi học sinh chỉ đóng 1.000 đồng/tháng, tôi thấy sao… kỳ kỳ, đề nghị nên tăng lên từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tháng”- ông Nguyễn Chương- Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku, nói giùm cái khó của đa số các trường. 

Cũng theo ông Chương, việc chấm thi và coi thi tốt nghiệp THPT hàng năm rất tốn kém, “có khi hết cả tiền ngân sách cấp cho trường”, do đó cần có sự quan tâm hỗ trợ thêm. Một khó khăn khác của các trường là câu hỏi muôn thuở: “Tiền đâu?” mỗi khi có giáo viên xin đi ôn 3 tháng để thi cao học. Vì các trường đều thiếu kinh phí nên đa số giáo viên phải tự túc trong khi đời sống còn rất eo hẹp. “Giáo viên phải được tạo điều kiện thì mới có thể nâng cao trình độ chuyên môn. Vì vậy, ngân sách cho bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cần có sự cân đối hỗ trợ cho các trường”- ông Chương đề nghị.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Cao Đẳng cũng “kêu” giùm cho giáo viên dạy bổ túc và phổ cập bởi mức thu 7.000-8.000 đồng/tiết là quá thấp. Một bất cập nữa là ngành luôn khuyến khích giáo viên soạn giáo án điện tử, nhưng khi một số trường mua sắm trang- thiết bị phục vụ cho công tác này thì lại… không được thanh toán do vướng Nghị quyết 11 về hạn chế chi tiêu công. Tương tự, năm học mới đã bắt đầu nhiều tháng nay nhưng nhiều nơi tại Chư Prông vẫn thiếu bàn ghế học sinh, nhiều thư viện không có giá sách.

Kết luận Hội nghị, ông Phạm Ngọc Thạch- Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, khẳng định: Vận động phụ huynh đóng góp là vấn đề hết sức nhạy cảm. “Tiền vận động là do Ban Đại diện Hội Cha mẹ học sinh thống nhất và biểu quyết thu. Nhưng, khi đã có sai phạm thì dù chúng ta có trưng ra hàng xấp biên bản biểu quyết, trách nhiệm chính vẫn thuộc về chúng ta, khiến nhìn nhận của dư luận về ngành không tốt”. Vì vậy, Giám đốc Sở đã đề nghị khi chưa có văn bản mới (Dự thảo Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh) thì công tác xã hội hóa cần có lộ trình, dự trù cụ thể, “phải căn cứ điều kiện thực tế của nhân dân ở địa phương để có mức thu phù hợp, không nên dựa hết vào Hội Phụ huynh”.

Ngoài ra, ông Thạch cũng ghi nhận ý kiến của các trường về những khoản thu đã lạc hậu và cho biết sẽ trình các cơ quan chức năng xem xét và trình HĐND tỉnh để đưa ra quy định về một số khoản thu. Với những vướng mắc về Nghị quyết 11 và Nghị định 49, Giám đốc Sở cũng đề nghị các trường “ráng gồng thêm một thời gian nữa” để chờ hướng xử lý phù hợp. Đồng thời, với tính thiết thực của Hội nghị chuyên đề tài chính lần này, theo ý kiến của đa số các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết sẽ rút kinh nghiệm và tới đây sẽ tổ chức giao ban định kỳ.

Theo Báo Gia Lai