Cần phát huy mô hình học sinh bán trú

11/11/2011 01:24 PM


Tạo điều kiện cho các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ ăn, ở và học tập ổn định, năm học 2011-2012 huyện Kbang đã xây dựng mô hình bán trú và thành lập thêm một số trường phổ thông dân tộc bán trú.

Tạo điều kiện cho các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ ăn, ở và học tập ổn định, năm học 2011-2012 huyện Kbang đã xây dựng mô hình bán trú và thành lập thêm một số trường phổ thông dân tộc bán trú.

Năm học 2011-2012, huyện Kbang đã tách một số trường để thành lập 4 trường bán trú là: Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Đak Rong, Trường PTDTBT THCS Đak Rong, Trường PTDTBT THCS Lơ Ku, Trường PTDTBT THCS Krong, và thêm 6 trường khác trên địa bàn huyện có học sinh bán trú (do chưa đủ số lượng học sinh để thành lập trường) với 1.145 em học sinh bán trú (bán trú tại trường 757 em, bán trú tự lo chỗ ở 388 em). Em Đinh Thị Choắt- học sinh lớp 6, Trường PTDTBT THCS Krong nói: “Nhờ được ở trong trường và các cô nấu ăn giúp nên em và các bạn có thể học tốt hơn”. Còn em Đinh Thị Nghing- học sinh lớp 8, Trường PTDTBT THCS Krong cho hay: “Trước đây tụi em phải ở nhờ nhà người dân hoặc người quen gần trường để học và phải tự túc rất vất vả nên nhiều bạn thường bỏ tiết học về sớm để nấu ăn mỗi ngày. Bây giờ tụi em chủ động hơn, ngoài giờ học chính tụi em còn có buổi tự học và có sự hướng dẫn của thầy- cô giáo”. 

 
Bữa ăn của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Krong (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: Lê Nam
Bữa ăn của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Krong (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: Lê Nam
Theo quy định, học sinh bán trú được hỗ trợ khoản tiền ăn và tiền nhà. Tiền ăn được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng và được hưởng theo thời gian học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học. Trường hợp học sinh bán trú bị kỷ luật buộc thôi học thì không được nhận hỗ trợ kể từ thời điểm quyết định kỷ luật có hiệu lực. Đối với hỗ trợ nhà ở, những học sinh bán trú phải tự lo chỗ ở được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng, được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Trường hợp học sinh bán trú không được lên lớp (lưu ban) thì năm học lưu ban đó vẫn được hưởng 100% mức hỗ trợ. Việc chi trả kinh phí hỗ trợ học sinh bán trú bằng tiền mặt, được cấp hàng tháng thông qua nhà trường quản lý để tổ chức thuê cấp dưỡng nấu ăn cho các em. Số tiền này không tính vào mức hỗ trợ tiền ăn của học sinh bán trú mà do địa phương tự chi trả.


Tuy nhiên mức hỗ trợ cho các em học sinh bán trú với chỉ 40% tiền lương tối thiểu làm cho các trường khó khăn trong công tác chuẩn bị bữa ăn hàng ngày cho các em. Thầy Phan Đình Toàn- Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Krong cho hay: “Trường có 137/323 em học sinh bán trú. Các em có điều kiện học tập tốt hơn, không còn tình trạng bỏ về. Trước đây, khi chưa thành lập trường bán trú, các em do nhà xa nên thường nghỉ học các ngày thứ hai và thứ bảy để về nhà, và như vậy, mỗi tuần các em nghỉ học 2 ngày.
 

Song hiện nay trường cũng gặp không ít khó khăn, bởi gia đình các em chưa hiểu được bán trú là gì và lo cho các em đòi hỏi có sự giúp đỡ thêm của gia đình. Hầu hết gia đình các em giao cho trường mọi việc từ ăn ở, học hành. Bình quân mỗi ngày tiền ăn của các em gần 12 ngàn đồng, mỗi bữa ăn chỉ khoảng 4.000 đồng nên rất khó trong việc lên thực đơn. Ngoài tiền hỗ trợ, trường thường phải đi xin thêm gạo, tiền từ một số nhà tài trợ để cải thiện bữa ăn cho các em”.

Cô Hoàng Thị Quế- Phó Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Kbang cho biết: “Trước đây thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, các em tự trang bị cho bản thân, tự lo bữa ăn hàng ngày. Năm học này, từ nguồn ngân sách nhà nước, Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện đã bố trí đội ngũ cấp dưỡng lo bữa ăn hàng ngày cho các em đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Mô hình bán trú sẽ giúp các em có điều kiện học tập, như ban ngày học theo chương trình quy định, buổi tối được bổ túc thêm kiến thức, các trường thường xuyên duy trì, nâng cao công tác kiểm tra giám sát từ việc học đến việc sinh hoạt hàng ngày của các em và duy trì sĩ số tại các trường…”. Tuy nhiên vẫn cần sự chung tay của cộng đồng, trách nhiệm của gia đình để giáo dục vùng sâu ngày càng ổn định và bền vững.

Theo Báo Gia Lai