Vùng nguyên liệu mía phía Đông Gia Lai với chiến lược phát triển bền vững

01/11/2011 07:30 AM


Theo tổng hợp của Nhà máy Đường An Khê, bình quân năng suất mía niên vụ 2010- 2011 đạt gần 63 tấn/ha- mức năng suất bình quân cao nhất trong 10 năm gần đây. Một trong những nguyên nhân đẩy năng suất mía tăng đột biến chính là Nhà máy và nông dân chung sức đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía phát triển theo chiều sâu; nổi bật là đầu tư nhân rộng giống mới và cơ giới hóa các khâu sản xuất.

Theo tổng hợp của Nhà máy Đường An Khê, bình quân năng suất mía niên vụ 2010- 2011 đạt gần 63 tấn/ha- mức năng suất bình quân cao nhất trong 10 năm gần đây. Một trong những nguyên nhân đẩy năng suất mía tăng đột biến chính là Nhà máy và nông dân chung sức đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía phát triển theo chiều sâu; nổi bật là đầu tư nhân rộng giống mới và cơ giới hóa các khâu sản xuất.

Những năm qua, Nhà máy tiến hành khảo nghiệm thành công và chuyển giao giống mía mới KL92-11, K88-92, K94, POJ cho nông dân các huyện, thị xã trong khu vực trồng đại trà tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu giống gắn với đầu tư phân bón, giống, làm đất… Tổng vốn đầu tư cho niên vụ 2010- 2011 trên 50 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trên 750 triệu đồng. Đội cơ giới gồm 74 máy thực hiện khâu làm đất, trồng mới, chăm sóc mía… được đưa vào hoạt động giúp nông dân rút ngắn thời gian trồng mới và chi phí đầu tư. Năng suất mía trồng mới áp dụng cơ giới tăng 17 tấn/ha so với sử dụng phương pháp truyền thống, cá biệt có hộ đạt năng suất 150 tấn/ha.

 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Cùng với kế hoạch đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, Nhà máy còn vận động người dân ký hợp đồng bán mía cho nhà máy, điều tiết giá thu mua mía phù hợp với giá thị trường, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng mía. Nhà máy cũng nâng công suất từ 4.500 tấn mía/ngày lên 10.000 tấn mía/ngày góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng mía vào thời điểm chính vụ. Đây là cơ sở để người dân mạnh dạn đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích và hình thành vùng nguyên liệu mía hiện nay đạt 18.494 ha, tổng sản lượng mía đạt 1.163.833 tấn.


Năng suất tăng, giá thu mua mía ổn định ở mức cao giúp đời sống nông dân giàu lên là thực tế đã được ghi nhận. Thế nhưng, theo phân tích của Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang- ông Phạm Xuân Trường, công suất hoạt động nhà máy tăng thì yêu cầu nguyên liệu mía cung ứng sản xuất cũng tăng theo. Trong khi đó, lộ trình mở rộng diện tích trồng mía tại khu vực phía Đông tỉnh nói chung, huyện Kbang nói riêng vào thời điểm này phải tuân thủ đúng quy hoạch phát triển cây trồng của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, Nhà máy phải thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với chính quyền địa phương trong xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu ổn định gắn với quy hoạch.

Đồng thời xây dựng cơ chế, thu mua mía phù hợp từng thời điểm, đảm bảo lợi ích kinh tế cho nông dân, chung tay với địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Vấn đề ông Trường đặt ra là hoàn toàn có cơ sở. Quy trình phát triển vùng nguyên liệu mía khống chế mở rộng diện tích, thì việc đầu tư theo chiều sâu bằng cách chuyển giao giống mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa quy trình trồng mía để tăng năng suất là khâu quyết định. Tuy nhiên, nỗ lực của Nhà máy Đường An Khê trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả mong đợi. Diện tích mía giống mới đến thời điểm này chiếm tỷ lệ thấp so với tổng diện tích mía toàn vùng.

Quy trình cơ giới hóa các khâu trồng mía còn thiếu đồng bộ. Ông Nguyễn Tấn Cương- Giám đốc Nhà máy Đường An Khê thừa nhận lực lượng đảm nhiệm khâu cơ giới hóa chưa đồng đều về chuyên môn nên việc vận hành thiết bị, máy móc còn yếu, bị sự cố. Việc kiểm tra giám sát, đánh giá chất lượng không đảm đương hết công việc, dẫn đến kết quả cơ giới hóa khâu trồng mía mỗi vụ không cao.

Cũng theo ông Cương, yêu cầu đặt ra là xây dựng vùng nguyên liệu mía phát triển bền vững, đảm bảo sản lượng mía đạt 1,2 triệu tấn/vụ đáp ứng đủ yêu cầu hoạt động của Nhà máy công suất 10.000 tấn mía/ngày. Niên vụ 2011-2012, Nhà máy sẽ mở rộng bán kính vùng nguyên liệu để tận dụng tối đa quỹ đất sản xuất; trong đó một số xã của huyện Kông Chro, các xã Phú An, Ya Hội (huyện Đak Pơ), Tơ Tung, Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) được xác định là vùng trọng điểm, phấn đấu đến năm 2013 vùng nguyên liệu mía đạt diện tích 24.000 ha. Nhà máy sẽ thực hiện quyết liệt hơn mô hình trồng mía bằng cơ giới và tiến tới thu hoạch mía bằng máy. Đưa các giống mía mới, năng suất cao đã qua khảo nghiệm trồng đại trà, tạo bước đột phá về năng suất trên phạm vi toàn vùng.

Thực hiện chính sách đầu tư trước tiền hom giống, cày đất, vật tư phân bón cho nông dân, định suất 10- 12 triệu đồng/ha mía trồng đại trà; 30-35 triệu đồng/ha trồng mía bằng cơ giới. Tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ không thu hồi lại cho nông dân bằng cơ giới. Xây dựng giá mía sàn 900.000 đồng/tấn và nhiều chính sách hỗ trợ khác như cước vận chuyển, khuyến khích huyện, xã làm tốt công tác phát triển vùng nguyên liệu mía…

Theo Báo Gia Lai