Gia Lai: Tập trung vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách

26/10/2011 03:14 PM


Kể từ đầu năm đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương cộng với việc huy động nguồn vốn tại chỗ thông qua hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dư nợ ngoài chỉ tiêu kế hoạch được giao.

New Page 1
Kể từ đầu năm đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương cộng với việc huy động nguồn vốn tại chỗ thông qua hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dư nợ ngoài chỉ tiêu kế hoạch được giao.
 
Tính đến cuối tháng 9-2011, tổng nguồn vốn của Chi nhánh là 2.007,6 tỷ đồng, tăng gần 170 tỷ đồng so với năm 2010 (tỷ lệ tăng 9,2%). Cụ thể, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 1.931,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 96,36%; nguồn vốn huy động tại địa phương là 70,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,52% (trong đó huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn là 17,465 tỷ đồng).

 
Ảnh minh họa
 
Để chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung chỉ đạo, nâng cao tỷ lệ giải ngân, thu nợ, thu lãi tại các điểm giao dịch. Doanh số cho vay các chương trình tín dụng trong 9 tháng qua đạt 399,2 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 249,1 tỷ đồng; tổng dư nợ là 1.921,7 tỷ đồng, tăng 151 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng 8,5%, đạt 50% kế hoạch tăng trưởng năm), với 150.054 hộ dư nợ... Hầu hết các chương trình cho vay của đơn vị đều có mức tăng trưởng dư nợ khá, điển hình như cho vay học sinh-sinh viên giải ngân học kỳ II năm học 2010- 2011 tăng gần 60 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo tăng 73,5 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường tăng 9,3 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tăng 9,3 tỷ đồng... 


Một trong những vấn đề Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh quan tâm hiện nay là nâng cao chất lượng tín dụng khi tình hình nợ quá hạn đang có xu hướng tăng cao tại các huyện như: Phú Thiện (1,34%), Chư Pah (1,37%), Kông Chro (1,41%), Ia Pa (1,76%), Chư Prông (1,83%) và Hội sở (1,8%); tỷ lệ giải ngân và thu nợ, thu lãi tại một số điểm giao dịch như: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, thị xã Ayun Pa vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Thống kê đến cuối tháng 9 cho thấy, nợ xấu là 21,347 tỷ đồng; trong đó nợ quá hạn là 20,219 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 1,05% tổng dư nợ, tăng 2,954 tỷ đồng so với đầu năm), nợ khoanh là 1,128 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng dư nợ. Để kéo giảm tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%, từ nay đến cuối năm 2011, Chi nhánh tập trung công tác xử lý nợ quá hạn, nợ tồn đọng để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, tích cực đôn đốc thu hồi nợ đến hạn theo phân kỳ nhằm giảm áp lực trả nợ vào thời hạn cuối cùng...

Bên cạnh đó, Chi nhánh tiếp tục ưu tiên vốn cho các chương trình tín dụng quan trọng, xung quanh vấn đề này, bà Siu Thị Nữ Hạnh- Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Trong tháng 10 và 11, Chi nhánh tập trung giải ngân 50 tỷ đồng cho vay học sinh- sinh viên, 30 tỷ đồng cho vay hộ nghèo và 25 tỷ đồng chương trình cho vay hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/TTg. Đây là những chương trình tín dụng có ý nghĩa chính trị- xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo Báo Gia Lai