Đak Rong (Kbang): Đi tìm đầu ra cho sản phẩm

26/10/2011 07:59 AM


Nông dân xã Đak Rong, huyện Kbang (Gia Lai) đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả về năng suất, chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, do giao thông khó khăn dẫn đến đầu ra của sản phẩm lại gặp khó khăn.

New Page 1 Nông dân xã Đak Rong, huyện Kbang (Gia Lai) đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả về năng suất, chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, do giao thông khó khăn dẫn đến đầu ra của sản phẩm lại gặp khó khăn.

Nằm cách trung tâm huyện Kbang trên 60 km, trong đó có nhiều làng cách trung tâm xã trên 20 km, ra thị trấn mất đến 80 km nên vài ba năm trở lại đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa ở Đak Rong đang được bà con triển khai tích cực nhưng vẫn chưa cho thu nhập cao. Chuyển từ cây nông nghiệp đến cây công nghiệp ngắn- dài ngày đang có hướng đi đúng của cấp ủy và chính quyền địa phương. Trong đó, diện tích lúa nước tăng, lúa rẫy giảm; nhiều vùng bà con đã chuyển sang trồng các loại đậu đỗ, bắp lai cho năng suất cao. Diện tích cà phê khoảng 185 ha được canh tác khá tốt, ít phải đầu tư về nước tưới như các vùng khác nên cho thu nhập khá.

Vụ mùa năm 2011, bà con đã trồng gần 100 ha bắp lai, 130 ha đậu các loại cho năng suất khá cao nhưng giá bán sản phẩm vẫn thấp hơn nhiều so với các nơi khác. Ông Đinh Bin- khuyến nông viên làng Kon Lốc 2 cho biết: Bà con ở Đak Rong đang trồng nhiều cây bời lời, tre lấy măng. Tre lấy măng khó bán, giá rẻ và thường bị ép giá khiến bà con chịu nhiều thiệt hại.

Tre lấy măng là loại cây đầu tiên được trồng thí điểm ở Đak Rong, phù hợp với khí hậu nên cho măng nhiều. Vào chính vụ năm nay,  giá chỉ 2 ngàn đồng/kg măng tươi; một gùi măng vất vả lắm cũng chỉ được 30 ngàn đồng đến 40 ngàn đồng, nhiều người đã phá bỏ tre để trồng cây khác. Hiện tại diện tích măng tre chỉ còn 34 ha, giảm khoảng 1/3 diện tích.
 
 
Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành chuyên môn của huyện đã tổ chức nhiều mô hình khuyến nông để bà con tham khảo lựa chọn. Cây sa nhân được bà con trồng khoảng 20 ha ở các làng hà Đừng 1 và 2; 80 ha bời lời đỏ (hiện nay bà con đang xuống giống khoảng trên 20 vạn cây). Nhưng với Đak Rong, bao giờ sản phẩm bán ra cũng rẻ hơn nơi khác từ 3 đến 5 giá, thậm chí là chỉ bằng một nửa nếu như thời tiết mưa kéo dài. Chẳng hạn như sa nhân tươi ở Sơn Lang khoảng 20 ngàn đồng/kg thì ở Đak Rong chỉ bán được 10 ngàn đồng đến 12 ngàn đồng/kg. Ông Nguyễn Sỹ Hữu- Phó Chủ tịch UBND xã Đak Rong cho biết: Phát triển kinh tế ở Đak Rong khó khăn nhất là đầu ra. Đường sá đi lại khó khăn nên thị trường mua bán nông sản phẩm của nông dân làm ra chưa đảm bảo. Thương nhân ép giá nông dân. Nhà nước cần có chính sách, cơ chế giúp người dân tiêu thụ thì phát triển kinh tế mới ổn định, bền vững hơn.

Đối với Đak Rong, mùa mưa thường đến sớm hơn và kết thúc muộn nên bà con không thể phơi khô sản phẩm mà phải bán tươi. Mong muốn lớn nhất của người dân là có đầu ra ổn định để mở rộng diện tích, nhất là các loại cây công nghiệp đang chiếm ưu thế trên thị trường. Có như vậy thì việc chuyển đổi cây trồng ở xã vùng sâu này mới thực sự mang lại hiệu quả theo hướng sản xuất bền vững.

Theo Báo Gia Lai