Kbang- đâu chỉ có rừng!

25/10/2011 02:07 PM


Vài mươi năm trước, nhắc tới huyện Kbang người ta liền nghĩ ngay đến rừng. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở bởi cho đến giờ thì diện tích rừng ở huyện này vẫn rộng lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 134.000 ha, trong đó có nhiều khu rừng nguyên sinh quí như: Vườn Quốc gia Kon Ka King, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kông Chơ Rang. Người dân Bahnar nơi đây chủ yếu sống dựa vào rừng, không chỉ làm rẫy, làm nương mà đến mùa còn vào rừng bẻ măng, hái trái xoay, lấy mật ong, thậm chí chặt hạ cả cây rừng lấy gỗ bán. Những năm ấy Kbang luôn là vùng “nóng” của tỉnh!

Vài mươi năm trước, nhắc tới huyện Kbang người ta liền nghĩ ngay đến rừng. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở bởi cho đến giờ thì diện tích rừng ở huyện này vẫn rộng lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 134.000 ha, trong đó có nhiều khu rừng nguyên sinh quí như: Vườn Quốc gia Kon Ka King, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kông Chơ Rang. Người dân Bahnar nơi đây chủ yếu sống dựa vào rừng, không chỉ làm rẫy, làm nương mà đến mùa còn vào rừng bẻ măng, hái trái xoay, lấy mật ong, thậm chí chặt hạ cả cây rừng lấy gỗ bán. Những năm ấy Kbang luôn là vùng “nóng” của tỉnh!

 
Thu hoạch mía. Ảnh: Đ.T
Cây mía ở Kbang. Ảnh: Đ.T
Cứ ngỡ tập quán “phát, đốt, chọc, trỉa” sẽ mãi bám theo cuộc đời của người dân Kbang và ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng, song những năm qua huyện vùng xa này đã có sự thay đổi lớn, tác động đáng kể đến đời sống xã hội, đặc biệt làm thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương. Đó là huyện đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp không chỉ bảo đảm cung cấp đủ lương thực cho nhu cầu tiêu dùng mà còn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Trên chặng đường ấy có sự chuyển đổi quan trọng đánh dấu bước phát triển của ngành nông nghiệp Kbang.


Từ chỗ chỉ trồng lúa rẫy là chính, năm 1996 cả huyện làm được 145 ha lúa Đông Xuân, năm 2000 tăng lên 231 ha thì đến 9 tháng đầu năm 2011 đã gieo trồng đến 1.880 ha/1931 ha (kế hoạch) lúa Đông Xuân. Ngay cả những vùng trước đây đồng bào Bahnar chỉ biết trỉa lúa như Đak Krong, Kông Pla, Sơn Lang… thì bây giờ đã biết thâm canh và sử dụng cơ giới thành thạo trong khâu làm đất, thu hoạch. Năng suất lúa Đông Xuân không ngừng tăng lên, năm 1996 chỉ đạt 30,1 tạ/ha, năm 2000 là 40,4 tạ/ha thì vụ vừa qua đạt xấp xỉ 7 tạ/ha. Diện tích trồng lúa rẫy cũng giảm dần, năm 1996 toàn huyện trỉa đến 2.867 ha, năm 2000 là 1.650 ha thì vụ mùa này chỉ còn 900 ha. Điều đáng chú ý là nông dân trong huyện còn trồng nhiều loại hoa màu khác tạo nguồn nông sản đa dạng như: Bắp (10.780 ha), mì (1.300 ha), đậu đỗ các loại (1.850 ha), rau (941 ha)…

Ngay từ khi Nhà máy Đường An Khê đi vào xây dựng và dưới đèo An Khê là Nhà máy Đường Bình Định hoạt động, đã có một bước ngoặt lớn đối với nền sản xuất nông nghiệp của Kbang. Được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự đầu tư của ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp, nông dân Kbang đã nhanh chóng chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy. Năm 1996 cả huyện chỉ trồng được 842 ha mía, năm 2000 là 1.419 ha thì năm nay đã lên đến 6.972 ha, nhiều vùng mía bạt ngàn như xã Đông, Nghĩa An, thị trấn huyện...

Dấu ấn đậm nét trong sản xuất nông nghiệp Kbang phải kể đến sự xuất hiện của hai loại cây công nghiệp dài ngày vốn là cây chủ lực của khu vực Tây Trường Sơn là cao su và cà phê. Cứ ngỡ thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu ở vùng Đông Trường Sơn như Kbang không phù hợp với hai loại cây này nhưng từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, Kbang đã đưa cà phê vào trồng ở các xã phía Bắc và Đông Bắc huyện như: Đak Krong, Sơ Pai, Sơn Lang..., đến nay tổng diện tích cà phê trên địa bàn lên đến 2.800 ha. Vài năm gần đây cây cao su cũng được người dân các xã Đak Krong, Kông Lơng Khơng, thị trấn huyện trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 80 ha. Nếu cao su tăng trưởng bình thường huyện sẽ khuyến khích nông dân mở rộng diện tích khoảng trên 700 ha. Đồng thời người dân trong huyện còn trồng cây ăn quả, cây măc ca, sa nhân... làm phong phú nông sản của địa phương.

Không thể chỉ điểm qua từng ấy diện tích cây trồng mà có thể đánh giá cả một nền kinh tế song từ sự chuyển đổi cơ cấu trên đã nói lên bước phát triển đáng mừng của huyện vùng xa vốn còn nhiều khó khăn như Kbang. Thành công lớn nhất đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn ở Kbang là nông dân đã ý thức về lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp và có tính đột phá, loại bỏ tập quán lạc hậu trong sản xuất, cư dân sống gần rừng cũng bỏ dần thói quen ỷ lại vào rừng.

Từ thực tiễn nêu trên rút ra một vấn đề có tính quyết định đối với đời sống kinh tế xã hội ở Tây Nguyên nói chung và Kbang nói riêng. Đó là nếu phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa thì đây sẽ là biện pháp hữu hiệu để giữ rừng Tây Nguyên luôn xanh thẳm!
 
 

Theo Báo Gia Lai