Hiệu quả từ mô hình chợ hợp tác xã

01/10/2011 09:04 AM


Chợ Ia Dom được quy hoạch trên diện tích tổng quan khoảng 3.000 m2, hiện tại đã xây dựng 400 m2 với 50 gian hàng. Tổng nguồn kinh phí huy động từ xã viên để xây dựng chợ là 750 triệu đồng.

Chợ Ia Dom được quy hoạch trên diện tích tổng quan khoảng 3.000 m2, hiện tại đã xây dựng 400 m2 với 50 gian hàng. Tổng nguồn kinh phí huy động từ xã viên để xây dựng chợ là 750 triệu đồng.
 
 
Duy nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai tính đến thời điểm hiện tại chỉ có chợ Ia Dom, huyện Đức Cơ được các xã viên Hợp tác xã Ia Dom đóng góp kinh phí để xây dựng mà không có sự đầu tư của nhà nước. Mô hình này mang lại hiệu quả cao, thành công ngoài mong đợi.
 
 
Chợ xã Ia Dom điểm nổi bật và niềm vui của chính quyền và nhân dân nơi đây. Ảnh: Nguyễn Giác
Chợ xã Ia Dom điểm nổi bật và niềm vui của chính quyền và nhân dân nơi đây. Ảnh: N.G
Trước năm 2007, xã biên giới Ia Dom vẫn chưa có chợ trung tâm, mà chỉ là các quầy hàng tự phát buôn bán lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng nhỏ lẻ dọc hai bên đường gần trung tâm xã. Từ khi Cửa khẩu Lệ Thanh được Chính phủ đầu tư nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế thì các tiểu thương từ nơi khác đến buôn bán làm ăn tại cửa khẩu cũng như trên địa bàn xã Ia Dom ngày càng đông đúc. Tất cả tiểu thương và người dân đều mơ ước có một chợ đầu mối trung tâm xã để mua, bán thuận lợi.
 
 
Chị Hồ Thị Mỹ Lệ- một tiểu thương hiện đang buôn bán tại chợ Ia Dom nhớ rất rõ những ngày đầu đến vùng đất này lập nghiệp: “Tôi từ Đak Lak đến định cư làm ăn. Nhưng lúc bấy giờ chưa có chợ tôi phải thuê nhà để mở cửa hàng bán thuốc Tây. Nói thật lúc đó nhìn cảnh bán buôn nhếch nhác tôi cũng muốn tìm nơi khác để kinh doanh”.
 
 
Còn ông Đoàn Trọng Hòa- Chủ nhiệm Hợp tác xã Ia Dom cho chúng tôi biết: “Ban đầu các xã viên hoài nghi với phương án xây dựng chợ này. Đến khi xây xong những người buôn bán các mặt hàng tươi sống, giết mổ gia cầm cũng không muốn đăng ký vào chợ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó chủ yếu các chủ hộ buôn bán sợ mất khoản đóng tiền thuê ki-ốt hàng tháng. Nhưng nhờ sự quyết tâm của chính quyền xã bắt buộc đưa những người buôn bán các mặt hàng này vào chợ cố định chỗ ngồi nhằm tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ đó đến nay mô hình quản lý chợ thành công ngoài mong đợi, mọi hoạt động đã đi vào nền nếp”.
 
 
Ông Siu Sum- Chủ tịch UBND xã Ia Dom phấn khởi cho biết: Chợ đi vào hoạt động khoảng 1 năm nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, thu đã đủ bù chi. Mô hình chợ được Hợp tác xã Ia Dom xây dựng tạo ra lợi ích xã hội, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, bán buôn nhếch nhác như trước đây. Đây là mô hình có tính xã hội hóa rộng rãi khác hẳn những nơi khác là Nhà nước đứng ra xây dựng và quản lý còn ở xã Ia Dom đã vận động Hợp tác xã đứng ra xây dựng để tiểu thương, người tập trung vào chợ bán buôn đi vào nền nếp.

Theo Báo Gia Lai