Gia Lai: Tháo gỡ vướng mắc trong việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp

23/09/2011 07:30 AM


Thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển 50.000 ha rừng nghèo trên địa bàn tỉnh sang trồng cây cao su, tỉnh Gia Lai đã phân bổ 61.496 ha đất lâm nghiệp tại địa bàn các huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Grai, Kbang, Mang Yang, Đak Đoa, Ia Pa cho 17 doanh nghiệp khảo sát, lập hồ sơ chuyển sang trồng cao su.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển 50.000 ha rừng nghèo trên địa bàn tỉnh sang trồng cây cao su, tỉnh Gia Lai đã phân bổ 61.496 ha đất lâm nghiệp tại địa bàn các huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Grai, Kbang, Mang Yang, Đak Đoa, Ia Pa cho 17 doanh nghiệp khảo sát, lập hồ sơ chuyển sang trồng cao su.
 
 
Đến thời điểm này, đã có 14 doanh nghiệp được tỉnh cấp quyết định cho phép chuyển gần 39.406 ha đất lâm nghiệp sang trồng cao su, đạt 63,5% kế hoạch phân bổ và bằng 58,8% so với quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt. Các doanh nghiệp được giao đất đã trồng mới gần 22.134 ha cao su góp phần nâng tổng diện tích cao su toàn tỉnh hiện nay lên con số gần 95.000 ha.
 
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương có đất giao cho doanh nghiệp thì tiến độ thực hiện các phần việc trên chưa được như mong đợi. Khẳng định như thế là vì các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng từ năm 2008 đến nay tập trung cho các hạng mục nhà làm việc, nhà ở công nhân, lưới điện, nước, đường giao thông phục vụ vùng dự án; còn cam kết hỗ trợ kinh phí thực hiện an sinh xã hội tại địa phương để người dân được hưởng lợi lại chưa được bao nhiêu. Ước tính, mức vốn hỗ trợ an sinh, phúc lợi xã hội cho các địa phương đến thời điểm này trên 12,6 tỷ đồng để xây nhà tình nghĩa, nhà cộng đồng, hỗ trợ bò nuôi, khai hoang đồng ruộng, sửa chữa đường giao thông. Đường giao thông nông thôn được đầu tư sửa chữa chưa nhiều, trong khi đó mạng lưới giao thông ở cơ sở đã xuống cấp nghiêm trọng.
 
 
Ngoài ra, đến nay, các doanh nghiệp đã triển khai tiếp nhận 2.094 lao động vào làm việc dài hạn, 3.537 lao động thời vụ; song theo đánh giá của UBND tỉnh việc tuyển dụng lao động chưa đạt yêu cầu đặt ra. Một số doanh nghiệp tiếp nhận lao động là đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc đạt tỷ lệ thấp so với nhu cầu tuyển dụng. Điển hình như Công ty cổ phần Trồng rừng Công nghiệp Gia Lai và Công ty Hoàng Anh Gia Lai chưa tuyển dụng được lao động dài hạn vào làm việc. Theo cam kết, Công ty Quốc Cường tuyển dụng 436 lao động, nhưng mới tiếp nhận 40 lao động.
 
 
Lý giải về hạn chế này, các doanh nghiệp cho rằng nhiều đơn vị triển khai dự án trên một địa bàn nên nguồn lao động tại chỗ chưa đáp ứng đủ yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Hơn nữa, đồng bào dân tộc thiểu số quen canh tác tự do, nay vào làm công nhân cao su với những yêu cầu chặt chẽ về kỹ thuật, thời gian, mùa vụ nên chưa thật sự gắn bó với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Đức Cơ, ngoài nguyên nhân trên thì mức lương chi trả cho công nhân thấp, bảo hiểm cho người lao động chưa được doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.
 
 
Riêng phần việc đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở, nhất là lĩnh vực hỗ trợ đầu tư hoàn thiện các tuyến đường giao thông, các chủ đầu tư cho rằng, diện tích đất lâm nghiệp giao cho các doanh nghiệp trồng cao su nhiều-ít khác nhau. Vì vậy, để đảm bảo tính công bằng, tỉnh, huyện nên nghiên cứu áp dụng cơ chế phân chia mức đóng góp đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho từng doanh nghiệp theo diện tích đất được giao theo hướng trồng cao su đến đâu, xây dựng hạ tầng đến đó.
 
 
Tiếp nhận ý kiến này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải, Sở Tài chính, các địa phương thống kê, tính toán lại hệ thống giao thông trong vùng dự án làm cơ sở để xác định mức đầu tư kết cấu hạ tầng cho từng doanh nghiệp. Quy trình hỗ trợ đầu tư cần phải rút ngắn thời gian, giúp địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Các địa phương có dự án trồng cao su và các doanh nghiệp chung tay giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh như tranh chấp, lấn chiếm đất rừng giao cho các doanh nghiệp, “lâm tặc” lợi dụng chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su để khai thác gỗ trái phép. Vận động, thuyết phục nhân dân là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân cao su. Trường hợp các doanh nghiệp cần tuyển lao động ngoài tỉnh vào làm việc, doanh nghiệp phải báo cáo với huyện, xã và phải được 2 cấp này xác nhận trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Theo Báo Gia Lai