Gia Lai: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư

21/09/2011 10:37 AM


Những tác động từ sự bất ổn kinh tế vĩ mô khiến từ đầu năm đến nay, công tác thu hút đầu tư của tỉnh gặp không ít khó khăn. Điều đó buộc tỉnh Gia Lai phải đề ra hàng loạt giải pháp với hy vọng sẽ cải thiện được tình hình.

Những tác động từ sự bất ổn kinh tế vĩ mô khiến từ đầu năm đến nay, công tác thu hút đầu tư của tỉnh gặp không ít khó khăn. Điều đó buộc tỉnh Gia Lai phải đề ra hàng loạt giải pháp với hy vọng sẽ cải thiện được tình hình.
 
 
Thời gian qua, do kinh tế khó khăn, lãi suất vốn tín dụng cao nên đã hạn chế nhà đầu tư triển khai dự án mới. Số lượng các nhà đầu tư đến với tỉnh còn hạn chế, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, ít có dự án lớn, hàm lượng công nghệ trong các dự án chưa cao. Bởi vậy, nếu tính chung từ năm 2009 đến cuối năm 2010, tỉnh ta thu hút được 47 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp (KCN) (với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 11.000 tỷ đồng); 4 dự án đầu tư trong KCN (với tổng vốn đầu tư trên 68 tỷ đồng); từ đầu năm đến nay, tỉnh chỉ thu hút được 11 dự án ngoài KCN (được cấp giấy chứng nhận đầu tư) với tổng mức vốn đăng ký là trên 680 tỷ đồng và 3 dự án trong KCN với mức vốn đăng ký gần 58 tỷ đồng.
 
 
Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Riêng việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), hiện tỉnh chỉ có 4 dự án đầu tư nước ngoài là: Dự án chế biến cà phê và nông sản của Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities Việt Nam; dự án Nhà máy Chế biến điều của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam; Nhà máy Chế biến Tinh bột mì của Công ty TNHH Ve Yu và dự án Nhà máy Chế biến đá của Công ty Đá Viet-Euro Stone Gia Lai. Tổng vốn đầu tư của 4 dự án là 7,73 triệu USD.
 
 
Sau diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên đến nay, tình hình thu hút đầu tư ở tỉnh ta có những biến chuyển đáng kể. Như đánh giá của ông Lê Quang Đạt-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Gia Lai: “Với các chính sách thu hút Đầu tư của Trung ương và của tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh gia tăng, đồng thời khai thác các thế mạnh của tỉnh, các dự án đầu tư triển khai góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, xóa đói giảm nghèo, tăng thu ngân sách. Qua đó, bộ mặt nông thôn và thành thị ở Gia Lai đã có bước phát triển mới khi đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện…”. Song vẫn còn đó những khó khăn nhất định mà nếu không khắc phục kịp thời, có lẽ việc thu hút đầu tư sẽ giậm chân tại chỗ.
 
 
Tại các diễn đàn xúc tiến đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp đều có ý kiến về những hạn chế trong khâu chuẩn bị cho công tác đầu tư khiến quyết định đầu tư vào tỉnh ta bị ảnh hưởng. Đó là sự yếu kém trong quy hoạch đất đai làm cho các doanh nghiệp chưa chủ động được trong lựa chọn địa điểm đầu tư; sự thờ ơ của một số huyện, thị xã cũng như một số ngành đối với công tác xúc tiến đầu tư; các dự án liên quan đến quỹ đất thường gặp khó khăn từ lúc xem xét chủ trương đến khi triển khai dự án thời gian bị kéo dài. Thêm vào đó, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư. Thủ tục hành chính một số khâu vẫn chưa được cải cách, chưa thực sự minh bạch; thủ tục đầu tư vào tỉnh của một số nhà đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian làm nản lòng các nhà đầu tư.
 
 
Để đảm bảo tăng trưởng bình quân 12,8% trong 5 năm (2011-2015), Gia Lai cần 67.700 tỷ đồng vốn đầu tư. Do vậy, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư là việc cần tích cực triển khai mới thu hút được số vốn trên để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng. Ông Trần Quốc Khánh-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Việc tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia cần phân chia theo vùng, có sự liên kết các tỉnh trong khu vực có điều kiện tương đồng để tổ chức chung một hội nghị nhằm tập trung lượng thông tin đa dạng, phong phú đến với các nhà đầu tư, nhất là đối với các tỉnh “vùng trũng” về thu hút đầu tư như Tây Nguyên”.
 
 
Thêm vào đó là một số giải pháp khác như có cơ chế liên kết hoạt động xúc tiến đầu tư giữa các tổ chức; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng KCN; tổ chức tốt hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông, vệ sinh môi trường; đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, bởi đây là yếu tố quan trọng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm…

Theo Báo Gia Lai