Huyện Ia Pa: Hiểm nguy những chuyến đò ngang

31/08/2011 07:12 AM


Dòng sông Ba đoạn chảy qua địa phận huyện Ia Pa (Gia Lai) chia cắt gần 6.000 hộ dân, chủ yếu là bà con dân tộc Jrai của 4 xã bờ Nam là Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi và Ia K’dăm. Hàng ngày người dân qua lại, đặc biệt là sang trung tâm đều phải qua sông bằng hai con đò nhỏ, tính mạng của bà con luôn bị rình rập và đe dọa.

Dòng sông Ba đoạn chảy qua địa phận huyện Ia Pa (Gia Lai) chia cắt gần 6.000 hộ dân, chủ yếu là bà con dân tộc Jrai của 4 xã bờ Nam là Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi và Ia K’dăm. Hàng ngày người dân qua lại, đặc biệt là sang trung tâm đều phải qua sông bằng hai con đò nhỏ, tính mạng của bà con luôn bị rình rập và đe dọa.
 
 
Những hiểm nguy rình rập
 
 
Chị Siu H’Liên ở Ia Broăi cùng con gái 3 tuổi vừa xuống đò, được chúng tôi giúp sức đẩy chiếc xe máy lên hết, gạt vội những giọt mưa, chị cho biết: “Mình không nhớ nổi đã đi lại bao nhiêu lần trên đò này. Mùa mưa, nước sông dâng cao, mỗi lần sang sông, con đò nghiêng ngửa chân tay tôi run lên”.
 
 
Những hành khách chuẩn bị sang sông Ba. Ảnh: Quang Dũng
Những hành khách chuẩn bị sang sông Ba. Ảnh: Quang Dũng
Hai chiếc đò, mỗi chiếc chỉ rộng chừng 2 mét, dài 6 mét (không có phao ghép ở mạn đò) cứ liên tục đưa khách bên này qua rồi chở khách bên kia lại. Mỗi chuyến đò qua sông đều nặng trĩu khách. Đứng nhìn những chuyến đò sang sông, chúng tôi thấy con nước lúc nào cũng mấp mé thành trên của khung đò và như sẵn sàng nuốt chửng con đò bất cứ lúc nào dù chỉ là một sơ suất nhỏ của hành khách. Thế nhưng, khách qua đò vẫn mạo hiểm với thủy thần để được sang sông cho nhanh. Đặc biệt không có một hành khách hay chủ đò nào mặc áo phao theo quy định.
 
 
Cùng tâm trạng lo sợ sau mỗi chuyến đò, anh Ksor Linh đang công tác ở huyện Ia Pa cho chúng tôi biết thêm: Làng anh bên Chư Mố, nhưng lại làm việc bên huyện, do trái chiều vì sông Ba chia đôi bờ, nên một ngày phải hai lần qua lại. 5 năm qua cứ vậy anh Linh đi và về không biết bao nhiêu lần, con đò, dòng sông với anh đã quá quen thuộc. Nhưng ít nhất một lần, anh suýt chết với con đò nhỏ và dòng sông này mà đến bây giờ đã gần hai năm qua anh vẫn không quên.
 
 
Đó là một ngày cuối năm 2009, làm việc xong như mọi ngày thì anh Linh xuống sông để trở về nhà. Mặc dù trước đó trời có mưa, nước sông chưa lên cao, nhưng khi con đò chở gần 10 người ra được một đoạn thì nước sông từ thượng nguồn dâng cao và cuồn cuộn đổ về, cây lá kéo theo dòng chảy rất nguy hiểm. Con đò nhỏ lúc này chỉ tựa chiếc lá tre trôi lênh đênh trên dòng lũ, chỉ cần một người nhúc nhích, con đò chao đảo, hay gặp một cây rừng trôi sông va vào thì hậu quả xảy ra thật khó lường, mọi người nhìn nhau nín lặng trong lo lắng. Rất may con đò chỉ đầy nước và chìm xuống khi đã chạm bờ, mọi người dìu nhau vào và điểm mặt đầy đủ, lúc đó nhiều chị mới ôm nhau òa lên khóc...
 
 
Cần lắm một cây cầu
 
 
Nghỉ ngơi sau mấy chuyến đò đi, về và cũng đợi thêm mấy người khách cho đầy chuyến, “thuyền trưởng” A Chuyên cho chúng tôi biết: “Chuyên mới thay cha cầm lái được hơn tháng nay, lúc đầu cũng sợ lắm, vì chưa quen với công việc. Để bảo đảm an toàn cho những chuyến đò, ngoài A Chuyên, ông Siu Then (bố vợ của A Chuyên) đã cho hai đứa cháu theo giúp đỡ như kéo dây, xếp hành khách, chống đẩy thuyền khi ra và vào bờ. Cả Chuyên và hai “phụ tá” đều được ông Then cho học bơi, học lặn và rất thành thạo dòng chảy. Mỗi ngày, 2 chiếc đò phải chở từ 60 đến 70 chuyến qua lại, thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ thì nhiều hơn. Mỗi khách qua đò chỉ thu 2.000 đồng, xe máy 3.000 đồng, cán bộ đi lại nhiều và người bà con thì trả bao nhiêu cũng được. Trung bình mỗi ngày thu được khoảng 200 đến 300 ngàn đồng”.
 
 
Cách bến đò của A Chuyên chừng 1 km cũng có thêm một bến đò nữa, song lượng khách ít hơn. Trả lời câu hỏi của chúng tôi “A Chuyên lái đò ở đây có đăng ký với chính quyền địa phương và được cấp phép không?”. Đắn đo một lúc rồi A Chuyên thổ lộ: Hơn 10 năm rồi, lúc đầu thấy bà con lội sông đi làm, thế là cha mình nảy sinh ý định mua thuyền để chở bà con, nên cũng không đăng ký với ai. Không đăng ký, nên chính quyền địa phương cũng không cấp giấy tờ gì. Lái đò nhiều thành quen và có thêm kinh nghiệm xử lý các tình huống, chứ có học hành gì đâu. Những khi bão lũ, dòng nước hung dữ và gió mạnh thì ở nhà không đi làm. A Chuyên rất thích áo phao nhưng không biết phải mua ở đâu. Khi nào có mình sẽ mua để cho khách qua đò mặc khỏi phải sợ... Để đảm bảo an toàn cho những chuyến đò, rất mong các cơ quan chức năng tập huấn hay hướng dẫn cho mình và các lái đò khác cách vận hành, cách sơ cứu khi lỡ bị tai nạn và những kinh nghiệm trong lái đò đưa khách sang sông…
 
 
Người dân ở hai bên bờ sông Ba, đoạn chảy qua địa phận huyện Ia Pa mong chờ một cây cầu, giúp người dân đi lại và trao đổi hàng hóa. Có cầu thì chuyện mạo hiểm qua sông bằng những chuyến đò ngang nơi đây sẽ không còn.
 
 

Theo Báo Gia Lai