Gia Lai: Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

26/08/2011 07:37 AM


Giữ vai trò là ngành sản xuất chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, lại có lợi thế đất tự nhiên và đồng cỏ rộng; tổng đàn bò trên 333 ngàn con được xếp vào nhóm cao của cả nước… là thế mạnh của ngành chăn nuôi của tỉnh. Khai thác lợi thế này, nông dân tự bỏ vốn, các dự án Nhà nước đầu tư phát triển tổng gia súc có trọng tâm; tạo sự đa dạng về cơ cấu vật nuôi như trâu, bò, heo, dê, cừu, gia cầm...

Giữ vai trò là ngành sản xuất chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, lại có lợi thế đất tự nhiên và đồng cỏ rộng; tổng đàn bò trên 333 ngàn con được xếp vào nhóm cao của cả nước… là thế mạnh của ngành chăn nuôi của tỉnh. Khai thác lợi thế này, nông dân tự bỏ vốn, các dự án Nhà nước đầu tư phát triển tổng gia súc có trọng tâm; tạo sự đa dạng về cơ cấu vật nuôi như trâu, bò, heo, dê, cừu, gia cầm...
 
Phong trào nuôi bò lai, heo hướng nạc phát triển mạnh; xuất hiện hình thức chăn nuôi chuyên canh; các dịch vụ đi kèm như thụ tinh nhân tạo, thú y, sản xuất giống… phát triển đồng bộ. Dù giữ vai trò phụ trợ cho hai loại vật nuôi chủ lực, song đàn gia cầm, dê, cừu những năm qua cũng đạt chỉ số tăng trưởng khá. Ước tính, tổng đàn gia cầm trên 1,5 triệu con, sản lượng thịt cung cấp cho thị trường giai đoạn 2000-2010 tăng bình quân 9,28%/năm. Đàn dê gần 48.000 con, tăng hơn 2 lần so với năm 2000… góp phần vào kết quả tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 4,9% cơ cấu ngành nông nghiệp...

 
Ảnh: Đức Thanh
Ảnh: Đức Thanh
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của cơ quan quản lý, ngành chăn nuôi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Lý do, quá trình phát triển chăn nuôi luôn chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi. Dịch bệnh gia súc, gia cầm đe dọa; quy mô chăn nuôi phát triển nhỏ lẻ, hình thức chăn nuôi phân tán và tự phát. Tác động của quá trình đô thị hóa, phát triển khu-cụm công nghiệp, khu du lịch làm diện tích đồng cỏ thu hẹp, cơ sở chăn nuôi vùng nội thị giảm dần. Đặc biệt, xu thế thị trường tiêu thụ đòi hỏi sản phẩm thịt phải đạt chất lượng và giá trị dinh dưỡng; trong khi đó đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện tại chưa tạo được bước đột phá về mặt này. Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và PTNT, vào thời điểm này, giống bò địa phương chiếm trên 60%; heo hướng nạc chiếm tỷ trọng thấp so với tổng đàn nên chất lượng sản phẩm thịt chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất, thu mua, giết mổ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa tạo được mối gắn kết để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững trong điều kiện thị trường cạnh tranh quyết liệt.

 
 
Để đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, cần phải tiến hành nhiều giải pháp, trong đó quy hoạch phát triển chăn nuôi là trọng tâm. Cụ thể hóa giải pháp này, Sở Nông nghiệp và PTNT đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 gắn với mục tiêu tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi 8% vào năm 2015 và tăng lên 12% vào năm 2020 trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu tăng trưởng đề ra, đồng thời đặt tiền đề cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, công tác quy hoạch tập trung xây dựng các nhóm giải pháp cơ bản gồm: Phát triển tổng đàn các loại vật nuôi; xây dựng vùng chăn nuôi chuyên canh; vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển chăn nuôi thông qua chiến lược xây dựng hệ thống trạm, trại giống, mạng lưới cung cấp giống gia súc. Quy hoạch khu giết mổ tập trung đảm bảo tính lâu dài và đạt tiêu chuẩn được quy định. Xây dựng 38 vùng trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp tại địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố (ngoại trừ An Khê, Kbang, Đức Cơ và Mang Yang) với tổng diện tích đất quy hoạch lên đến 1.060 ha, tạo cơ sở thay đổi hình thức chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại công nghiệp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường…

Nổi bật là giải pháp đầu tư phát triển giống gia súc, gia cầm, tạo bước đột phá về thể trạng và chất lượng thịt đủ sức cạnh tranh với thị trường. Theo đó, tiến hành quy trình tuyển chọn giống gia súc có tầm vóc lớn trong tổng đàn, giống gia súc hiện có tại Trung tâm Giống bò Hà Tam kết hợp với chọn lọc đưa giống tốt từ ngoài tỉnh vào, nguồn tinh đông lạnh làm cơ sở lai cải tạo thể trạng, chất lượng thịt của đàn gia súc. Tiến hành tạo con lai F1 giữa dê cỏ với dê Bách Thảo làm tiền đề lai thế hệ F2 đưa vào nuôi lấy thịt. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với hình thành vùng chăn nuôi trang trại tập trung trên cơ sở xây dựng vùng chăn nuôi phù hợp điều kiện các địa phương. Cụ thể, Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê được xác định là vùng phát triển đàn bò chất lượng cao. TP. Pleiku, Chư Pah, An Khê, Ia Pa là vùng chăn nuôi heo giống. Phát triển đàn trâu tại các huyện: Mang Yang, Ia Pa, Kbang, Chư Pah... 16 huyện, thị xã, thành phố tập trung chăn nuôi bò, heo thịt… Phát triển đàn gia cầm theo hướng chuyên thịt, chuyên trứng cao sản; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đủ sức cạnh tranh với thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, tạo động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh tăng trưởng bền vững.
 

Theo Báo Gia Lai