“Gỡ khó” cho Nghị định 49

23/08/2011 01:22 PM


Trước khi bắt đầu năm học mới 2011-2012, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công văn về việc xử lý một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định việc miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.

Trước khi bắt đầu năm học mới 2011-2012, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công văn về việc xử lý một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định việc miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.

Trên thực tế, Nghị định 49 ban hành đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, nhất là với những gia đình khó khăn, khi được miễn giảm phần nào chi phí học tập. Tuy nhiên, khi triển khai Nghị định lại gặp một số vướng mắc: Người dân than phiền về quy định nộp kèm 2 bản phô-tô hộ khẩu có công chứng để được hưởng chế độ miễn giảm là không cần thiết, gây quá tải công chứng, lãng phí thời gian, tiền bạc. Một số thắc mắc khác có thể kể đến như: Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số sống lâu năm tại Gia Lai nhưng chưa có hộ khẩu, hoặc nhiều phụ huynh thuộc lực lượng vũ trang đang thực thi nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh, tuy không có hộ khẩu nhưng có con đang theo học các trường trong tỉnh; có được hưởng chế độ hay không?…
 
Cũng có nhiều phụ huynh ý kiến vì sao trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông ngoài công lập được cấp bù học phí, trong khi sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập không được hưởng chính sách này?...

 
Từ năm học 2011-2012, UBND tỉnh đồng ý giao cho các trường tự chịu trách nhiệm về việc quản lý hồ sơ học sinh để đối chiếu thực hiện Nghị định 49. Ảnh: P.D
Từ năm học 2011-2012, UBND tỉnh đồng ý giao cho các trường tự chịu trách nhiệm về việc quản lý hồ sơ học sinh để đối chiếu thực hiện Nghị định 49. Ảnh: P.D
Trước thực tế nói trên, Liên sở Giáo dục-Đào tạo, Tài Chính và Lao động-Thương binh và Xã hội đã kiến nghị UBND tỉnh xin ý kiến để giải quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc phát sinh.


Giải quyết gọn nhẹ các thủ tục về hộ khẩu

Với công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, hầu hết các vấn đề liên quan đến hộ khẩu đều được giải quyết thỏa đáng. Theo đó, những phụ huynh học sinh thuộc các đối tượng là lực lượng vũ trang đang thực thi nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nếu không có hộ khẩu nhưng có con đang theo học tại các trường trong tỉnh thì chỉ cần thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nơi phụ huynh đó đang công tác xác nhận là hợp lệ về thủ tục. Với phụ huynh học sinh là người dân tộc thiểu số sống lâu năm trên địa bàn tỉnh và phụ huynh học sinh có giấy đăng ký tạm trú lâu năm trên địa bàn tỉnh nhưng không có hộ khẩu, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn ở địa phương thông báo đến các hộ gia đình làm thủ tục để cấp hộ khẩu theo quy định.

Một tình trạng khá phổ biến khác là phụ huynh có hộ khẩu nhưng bản thân học sinh lại nhập khẩu ở gia đình khác (cô, dì, chú, bác ở cùng tỉnh). Những trường hợp này cũng được giải quyết nhẹ nhàng: Phụ huynh chỉ cần phô-tô chứng thực giấy khai sinh nộp cho nhà trường để xác định học sinh đó có cha mẹ thường trú tại Gia Lai. Ngoài ra, trong việc quản lý hồ sơ (hộ khẩu, các hồ sơ ưu tiên), UBND tỉnh cũng đồng ý giao cho các trường tự chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ để đối chiếu thực hiện cho các năm sau nhằm giảm bớt việc hàng năm phụ huynh phải phô-tô công chứng hộ khẩu nhiều lần. Bà Trần Thị Nự-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) bày tỏ sự đồng tình trước quy định này: “Năm ngoái, nhà trường phải đi phô-tô công chứng giùm nhiều học sinh dân tộc thiểu số trong trường, vừa tốn kém vừa rất mất thời gian. Vì vậy, việc giao cho trường quản lý hồ sơ sẽ là một thuận lợi cho cả trường và phụ huynh học sinh”.

Giảm bớt chi phí học tập

Xung quanh những vấn đề chế độ liên quan đến học sinh, sinh viên đang học chính quy, nhiều sinh viên lớp Trung cấp Sư phạm Mầm non (đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thuộc diện chỉ tiêu ngân sách tỉnh) cũng đã giải tỏa được những băn khoăn, bởi theo công văn này họ đều được miễn học phí theo quy định tại Điều 3-Nghị định 49. Những học sinh, sinh viên dự bị nhưng không thuộc diện cử tuyển thì được cấp bù học phí theo quy định của Nghị định.

Tuy nhiên, những học sinh, sinh viên đang học chính quy ở các trường công lập trên địa bàn tỉnh nhưng thuộc diện ngoài chỉ tiêu của ngân sách thì không được thụ hưởng chế độ theo Nghị định 49. Ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, giải thích: Các trường công lập được giao mỗi năm một số chỉ tiêu nhất định. Nhưng nếu một số trường có khả năng nhận thêm thì số học sinh, sinh viên nhận thêm này sẽ thuộc diện ngoài chi tiêu của ngân sách. Việc đóng học phí là tự nguyện giữa người học với cơ sở đào tạo công lập, do đó không được miễn giảm như những đối tượng khác. Cũng theo ông Thạch, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập không được hưởng chế độ này vì không nằm trong nhóm đối tượng được miễn giảm theo Nghị định 49.

Một vấn đề nữa được rất nhiều gia đình quan tâm là miễn giảm học phí như thế nào? Theo công văn của UBND tỉnh, học phí của học sinh, sinh viên học chính quy ở các trường công lập được trả theo biên lai thu tiền (giấy xác nhận của trường) theo mức quy định của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập nhưng không vượt quá mức trần học phí quy định theo Nghị định 49. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (phường Hội Thương, TP. Pleiku) hiện có con đang theo học tại Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Tiền học phí của trường này khá cao, nhưng nhờ có Nghị định 49 nên tới đây, mỗi năm gia đình bớt được vài triệu đồng tiền học phí, đỡ bớt phần nào chi phí học tập cho cháu”.

Theo Báo Gia Lai