Để không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè

21/08/2011 05:47 PM


Hiện nay, tình trạng một số người biến vỉa hè thành khu vực sử dụng riêng để buôn bán, kinh doanh phục vụ lợi ích cá nhân trở nên phổ biến trên một số tuyến đường ở địa bàn thị xã An Khê, Gia Lai.

Hiện nay, tình trạng một số người biến vỉa hè thành khu vực sử dụng riêng để buôn bán, kinh doanh phục vụ lợi ích cá nhân trở nên phổ biến trên một số tuyến đường ở địa bàn thị xã An Khê, Gia Lai.

Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Chỉ cần dạo một vòng quanh một số tuyến đường trên địa bàn thị xã An Khê như: Quang Trung, Trần Quang Diệu, Hai Bà Trưng, Ngô Thời Nhậm… không những thấy cảnh người dân bày bán tất cả các mặt hàng biến vỉa hè thành “của riêng” mà còn lấn chiếm xuống cả lòng đường làm nơi buôn bán gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Ngoài ra, khi vỉa hè bị lấn chiếm khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

 
Cà phê vỉa hè trên đường Hoàng Hoa Thám thị xã An Khê. Ảnh: L.N
Cà phê vỉa hè trên đường Hoàng Hoa Thám thị xã An Khê. Ảnh: L.N
Để quản lý tốt công tác trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan đô thị… UBND thị xã An Khê yêu cầu các xã, phường, nhất là 4 phường trung tâm thị xã (Tây Sơn, An Phú, An Tân, An Bình) thực hiện tuyên truyền trong nhân dân tích cực tham gia đảm bảo trật tự đô thị, xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, giữ gìn bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông.


Hiện một số phường đã có giải pháp quản lý bằng cách giới hạn diện tích cho thuê vỉa hè làm nơi buôn bán. Chị Quỳnh Diệp Mỹ Lệ-bán nước giải khát tại đường Hoàng Hoa Thám nói: “Tôi cũng đồng tình với việc chính quyền địa phương thu lệ phí khi chúng tôi buôn bán trên vỉa hè. Bởi như vậy tránh được tình trạng tranh giành vị trí, gây mất trật tự. Song hiện nay chính quyền địa phương thu lệ phí khá cao, hiện chúng tôi hàng ngày bán nước giải khát phải đóng 400-500 ngàn đồng/tháng”.

Theo hợp đồng, địa phương sẽ có trách nhiệm quản lý và xử lý kịp thời các vấn đề liên quan an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực buôn bán. Ngược lại, người buôn bán cam kết sử dụng vỉa hè đúng quy định, không được lấn chiếm diện tích so với hiện trạng ban đầu, không được trưng bày hàng hóa, vật dụng khác… gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực buôn bán.

Ông Lương Thành Công-Chủ tịch UBND phường Tây Sơn cho biết: Trước nhu cầu, tâm lý của người dân muốn ra ngoài mặt đường buôn bán, việc cấm triệt để là rất khó khăn. Do đó, phường đã đề xuất với UBND thị xã cho quản lý vỉa hè bằng cách cho thuê một phần diện tích vỉa hè buôn bán. Khi đó người dân sẽ quản lý tốt hơn, ổn định trật tự an ninh, an toàn giao thông và đảm bảo được vệ sinh môi trường. Người buôn bán cũng được cơ quan địa phương bảo vệ như: Thu gom rác thải, xử lý các vấn đề trật tự an ninh xã hội, tránh tình trạng tranh giành vị trí buôn bán. Ngoài ra, tạo cho địa phương có thêm nguồn thu phục vụ cho việc quản lý vỉa hè, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Hướng lâu dài phường sẽ đưa hết những hộ buôn bán trên quốc lộ 19, đường Hai Bà Trưng, Ngô Thời Nhậm về phía dọc theo bờ kè sông Ba góp phần đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và tạo vẻ đẹp cho thị xã.

Vấn đề làm sao để người dân không lấn chiếm vỉa hè làm “của riêng”, gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông… là hết sức nan giải và cần phải có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương. Việc cho thuê một phần vỉa hè sẽ góp phần lập lại trật tự ở đô thị.

Theo Báo Gia Lai