Đức Cơ (Gia Lai) xây dựng nền nông nghiệp bền vững

21/08/2011 05:41 PM


Cách đây 20 năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Cơ, Gia Lai gần như chẳng có gì ngoài phương thức sản xuất phát-đốt-chọc-trỉa lạc hậu. Nhưng bằng nỗ lực vượt bậc của người dân và sự đầu tư kịp thời của Đảng và Nhà nước, đến nay sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những bước tiến vượt bậc với màu xanh bạt ngàn trên những sườn đồi của các loại cây công nghiệp dài ngày như: Cao su, hồ tiêu, cà phê...

Cách đây 20 năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Cơ, Gia Lai gần như chẳng có gì ngoài phương thức sản xuất phát-đốt-chọc-trỉa lạc hậu. Nhưng bằng nỗ lực vượt bậc của người dân và sự đầu tư kịp thời của Đảng và Nhà nước, đến nay sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những bước tiến vượt bậc với màu xanh bạt ngàn trên những sườn đồi của các loại cây công nghiệp dài ngày như: Cao su, hồ tiêu, cà phê... xen kẽ là những cánh đồng lúa nước dọc các con suối. Bộ mặt nông thôn của huyện từng bước đổi thay và đang hướng đến sự phát triển bền vững trong những năm tới.

Từ bước khởi đầu

Là một trong 3 huyện vùng biên giới của tỉnh, năm 1991 sau khi chia tách từ huyện Chư Prông, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Cơ ngày ấy hầu như chưa có gì. Theo lời kể của các già làng và cán bộ nông nghiệp lâu năm của huyện, ngày “ra riêng” toàn huyện chỉ sản xuất được khoảng 20 ha lúa nước còn lại phần lớn là lúa rẫy phụ thuộc vào nguồn nước trời theo phương thức truyền thống phát-đốt-chọc- trỉa. Bên cạnh đó, các loại cây ngắn ngày như đậu, rau màu, cây có củ chỉ trồng xen canh vào các loại cây trồng khác, nhưng diện tích không đáng kể. Chính vì vậy, năng suất bình quân chỉ đạt 15 tạ/ha, sản lượng lương thực hàng năm không đáng là bao, đói nghèo hầu như năm nào cũng xuất hiện trên mảnh đất mới đầy khó khăn gian khổ này. Chuyện cứu đói thường xuyên cho người dân trong ngày giáp hạt hầu như năm nào cũng có.

 
Thu hoạch tiêu.  Ảnh: N.D
Thu hoạch tiêu. Ảnh: N.D
Mọi thứ chỉ bắt đầu từ năm 1994 khi các công ty của Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn huyện bắt đầu đưa cây cao su vào phát triển kinh tế. Đặc biệt, sự giúp đỡ tận tình của các chiến sĩ bộ đội Công ty 72 (Binh đoàn 15) đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương. Ban đầu các đơn vị của Công ty nhận giúp đỡ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách cầm tay chỉ việc, hướng dẫn từng chi tiết trong chuyện trồng và chăm sóc cây lúa nước để dần thay đổi nhận thức của họ, đầu tư máy móc, giống và phân bón giúp người dân sản xuất hiệu quả hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn Công ty đã giúp khôi phục lại 53 ha lúa nước tại những cánh đồng ở làng Tung (xã Ia Nan), cánh đồng làng Sơn…
 
Nhận thức của người dân đã thay đổi, từ chỗ ruộng rẫy bị bỏ hoang hoặc chỉ sản xuất 1 vụ đến nay bà con tích cực sản xuất vụ Đông Xuân cũng như vụ mùa. Không chỉ cây lúa nước, chuyện phát triển cây cao su và đưa bà con vào làm công nhân cũng được Công ty thực hiện trọn vẹn khi hàng ngàn ha cao su tiểu điền của bà con đang lên xanh tốt và cho thu hoạch như hiện nay cũng đều nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc của bộ đội Công ty 72. Thống kê của Công ty từ năm 2003 đến nay, đơn vị đã hỗ trợ cho địa phương trên 13 tỷ đồng để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó trên 1 tỷ đồng mua giống, máy móc, phân bón…, còn lại xây dựng cơ sở hạ tầng.

Có thể nói sự có mặt kịp thời và hỗ trợ đúng lúc của những người lính Công ty 72 đã khẳng định sự gắn kết thắm thiết tình quân dân trong kháng chiến cũng như thời bình là không thay đổi.

Hướng đến sự phát triển bền vững

Nông nghiệp Đức Cơ có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của người dân, còn nhờ các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi phục vụ nước tưới sản xuất. Đặc biệt, các chương trình như 134, 135…, các dự án chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp mà các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện đã mang lại hiệu quả thiết thực, diện mạo nông thôn thay đổi từng năm.

 
Sau 20 năm chia tách đến nay toàn huyện đã có trên 18.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích cây trồng hàng năm 5.655 ha. Đặc biệt, các loại cây công nghiệp dài ngày chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện với diện tích lên đến 11.901 ha, trong đó cao su tiểu điền 3.149 ha, cà phê 4.840 ha, điều 3.575 ha, hồ tiêu 287 ha và ca cao 70 ha (chưa kể trên 20.000 ha cao su của các công ty đứng chân trên địa bàn).
Ông Phan Đình Hải- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện đã có những bước tiến vượt bậc về giá trị kinh tế cũng như sự đa dạng về cây trồng, vật nuôi. Đây là một trong những thành công lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, trong đó ưu tiên phát triển cây cao su, các loại cây cà phê, hồ tiêu… không mở rộng diện tích tập trung thâm canh tăng năng suất và sản lượng trên một diện tích đất. Bên cạnh đó, còn đưa cây ca cao và định hướng người dân trồng đậu, đỗ các loại xen canh với cây mì để tránh thoái hóa đất. Đây là một trong những mục tiêu lớn mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã nêu ra”.

Có thể nói, sau 20 năm, từ một nền nông nghiệp lạc hậu và phụ thuộc vào tự nhiên, đến nay Đức Cơ đã có một nền nông nghiệp vững mạnh với các loại cây công nghiệp dài ngày, giúp hàng ngàn nông dân trên địa bàn huyện có cuộc sống ấm no. Bộ mặt nông thôn từ các xã vùng biên đến các xã vùng sâu đang đổi thay từng ngày. Rồi mai đây khi chương trình nông thôn mới thực hiện sẽ là động lực lớn giúp kinh tế nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững.

Theo Báo Gia Lai