Dấu chân tình nguyện

08/08/2011 07:31 AM


Bước chân tình nguyện của sinh viên Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã đến vùng khó khăn giúp đồng bào nghèo, mặc những cơn mưa Tây Nguyên dầm dề và đường vào một xã nghèo vất vả gian nan.

Bước chân tình nguyện của sinh viên Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã đến vùng khó khăn giúp đồng bào nghèo, mặc những cơn mưa Tây Nguyên dầm dề và đường vào một xã nghèo vất vả gian nan.

Vợ Đinh Pốp- làng Trong, xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro, Gia Lai) nằm nghỉ trong ngôi nhà sàn còn thơm mùi gỗ. Thấy chúng tôi, chị bẽn lẽn phân trần bằng tiếng Kinh bập bõm: “Mình vừa đi rẫy về, mệt nên nằm nghỉ chứ không phải ngủ đâu”. Ngôi nhà vừa được các sinh viên tình nguyện góp ngày công cùng thanh niên trong xã dựng cho vợ chồng Pốp tuy nhỏ nhưng xinh xắn, vững chãi. Sinh viên tình nguyện khi về đóng quân tại làng Trong của xã không ai tường tận hoàn cảnh của vợ chồng Pốp. Nhưng thấy những ngày mưa gió, vợ chồng chui ra chui vào mái nhà sàn tường xiêu vách đổ, dột tứ phía nên quyết định dựng nhà ngay cho họ. Gần 20 sinh viên và một số thanh niên trong làng giúp sức, ngôi nhà đã dựng xong chỉ vài ngày. Vợ chồng Pốp đều không nói sõi tiếng Kinh để bày tỏ lòng cảm ơn, nhưng nhìn ánh mắt vợ Pốp long lanh chỉ chực khóc, đủ cảm nhận niềm vui sướng và hạnh phúc của chị.

 
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây tiêu cho thanh niên xã Đê Ar. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây tiêu cho thanh niên xã Đê Ar. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cách chỗ ở của sinh viên không xa, một ngôi nhà khác cũng đang được dựng lại. Một số bạn nam khỏe mạnh cùng với thanh niên trong làng lên rừng chặt lồ ô để lót sàn, nguyên vật liệu khác cũng đã sẵn sàng để làm nhà mới…


Lên nương cùng bà con

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mùa hè xanh là chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho bà con. Đây là nhiệm vụ làm tới đâu phải chắc tới đó. Thay vì tập hợp dân để phổ biến kiến thức thì các bạn phân thành nhóm lên nương. Đội trưởng Nguyễn Hòa Hân-mặt trận xã Đak Pơ Pho, cho biết: “Chúng tôi theo chân bà con lên nương chỉ cách phòng trừ sâu bệnh, bón phân… Cách làm này tuy không rộng rãi nhưng hiệu quả. Tại các mặt trận khác ở các huyện: Mang Yang, Chư Pưh, Phú Thiện, chúng tôi cũng tiến hành theo hình thức này chứ không chú trọng số lượng”. Một cán bộ huyện Kông Chro cho biết, hàng năm huyện đều tổ chức các đợt tập huấn cho các xã nghèo nhưng do trình độ hạn chế, bà con không biết áp dụng vào thực tế. Ngay cả việc đọc hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc trừ sâu, phân bón họ cũng chưa hiểu hết. Hy vọng với cách “cầm tay chỉ việc” của sinh viên, sẽ giúp bà con nâng cao năng suất cây trồng.

 
Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc
Ngoài nhiệm vụ chính như Hòa Hân chia sẻ, các đội tình nguyện còn mở các lớp ôn tập hè cho thiếu nhi, giao lưu với thanh niên địa phương, giúp đỡ gia đình chính sách, vệ sinh trường học...

 
 
Môi trường rèn luyện

Tại mặt trận 2 xã Đê Ar và Kon Chiêng (huyện Mang Yang), đội hình tình nguyện đã triển khai khá nhiều việc. Đáng chú ý là mô hình VACB (vườn- ao- chuồng- bioga) thí điểm tại gia đình ông Pik tại xã Lơ Pang. Cô Thái Nguyễn Diễm Hương-giảng viên Khoa Nông học, chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt của mô hình cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đã xuống giống 300 gốc sầu riêng và 300 gốc bơ. Toàn bộ kinh phí do trường tài trợ, gia đình chỉ thực hiện theo hướng dẫn cho tới khi thu hoạch. Phải chờ 3-5 năm để thấy được hiệu quả của mô hình này. Bà con, nhất là thanh niên của xã có thể học tập áp dụng tại địa phương. Đây là mô hình khép kín, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường”. Ông Pik đã cho trường mượn diện tích đất rộng 5 ha để xây thực hiện mô hình này. Đây cũng là mô hình trường đánh dấu 10 năm Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh có mặt tại huyện Mang Yang.

Tuy nhiên, để hoàn thành công việc tại địa bàn vùng sâu như Đak Sông, Đak Pơ Pho, Kon Chiêng, Đê Ar, sinh viên tình nguyện vượt qua không ít khó khăn. Sinh viên Đặng Hồng Thân-năm nhất Khoa Nông học, kể: “Hôm chúng tôi từ Kon Chiêng ra Lơ Pang để thực hiện mô hình VACB, làm từ sáng mãi tới hơn 4 giờ chiều đội mới nghỉ tay để ăn cơm. Đã thế, lúc về trời lại mưa to, đường lầy lội, trơn trượt, mãi đến 10 giờ đêm mới về đến chỗ đóng quân. Bùn đất bám đầy người, chỉ chừa hai con mắt”. Ngoài ra, để làm trên 1.000 chiếc lồng đèn chuẩn bị “Ngày hội trăng rằm” cho các em thiếu nhi, sinh viên chia nhau lên rừng chặt tre nứa. Chuyện bị ngã, bị muỗi, vắt cắn sưng chân tay là chuyện thường.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ-Nhà giáo Ưu tú Huỳnh Thanh Hùng-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm khẳng định: “Không chỉ giúp đỡ người dân, hoạt động tình nguyện còn là cơ hội, là môi trường rất tốt để sinh viên rèn luyện”.
 

Theo Báo Gia Lai