Gia Lai: Krông Pa phát triển mạnh về công nghiệp chế biến

06/07/2011 07:25 AM


Hiện tại huyện Krông Pa (Gia Lai) có 6 doanh nghiệp thăm dò và khai thác khoáng sản; 40 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trên lĩnh vực thương mại và dịch vụ; 15 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp; 234 cơ sở sản xuất và hộ cá thể hoạt động gia công tiểu thủ công nghiệp, thương mại với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thu hút trên 34 ngàn lao động.

Hiện tại huyện Krông Pa (Gia Lai) có 6 doanh nghiệp thăm dò và khai thác khoáng sản; 40 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trên lĩnh vực thương mại và dịch vụ; 15 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp; 234 cơ sở sản xuất và hộ cá thể hoạt động gia công tiểu thủ công nghiệp, thương mại với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thu hút trên 34 ngàn lao động.
 
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp có trên 1,8 ngàn lao động, chiếm 5,34%; thương mại dịch vụ trên 2 ngàn lao động, chiếm 5,98% tổng số lao động toàn huyện. Thu nhập bình quân của người lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ khoảng 40 triệu đồng/người/năm và người lao động trong lĩnh vực công nghiệp khoảng 42 triệu đồng/người/năm.
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Một số ngành nghề có tốc độ phát triển khá và thu hút nhiều lao động như: Sản xuất bột đá, sản xuất gạch, gia công cơ khí, cán tôn, khai thác khoáng sản… Một số lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa, mua bán vật liệu, mua bán xăng dầu, đầu tư thu mua nguyên liệu nông sản cũng đã được nhiều hộ gia đình và cá nhân tham gia góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn và tạo bước chuyển biến trong tỷ trọng cơ cấu nông-lâm nghiệp giảm so với công nghiệp-xây dựng.
 
 
Một trong những điểm nổi bật trên địa bàn huyện Krông Pa là từ năm 2010 huyện đã tiến hành quy hoạch xây dựng Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp, kho bãi tại bãi Dốc đỏ nằm trên địa bàn xã Phú Cần với quy mô 47,45 ha, dự kiến kinh phí đầu tư 40 tỷ đồng. Hiện tại, huyện đang lập đề án chi tiết và phương án bồi thường thiệt hại về đất đai, hoa màu, cây cối, vật kiến trúc cho nhân dân. Trong thời gian triển khai Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp này, Công ty cổ phần Long Sơn đã bắt đầu làm thủ tục thuê mặt bằng 3 ha để xây dựng nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu; Nhà máy chế biến đá Granite Quốc Duy (thuộc Công ty TNHH Quốc Duy) thuê 5 ha. Tổng kinh phí đầu tư xác định là 41,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hộ kinh doanh cá thể Ánh Cần thuê 1 ha và nhiều doanh nghiệp khác đang lập hồ sơ xin thuê đất xây dựng nhà máy chế biến nông sản, chế biến phân bón và làm dịch vụ kinh doanh vận tải.
 
 
Về địa lý có thể thấy, Krông Pa tuy là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước tưới còn nhiều khó khăn nhưng ngược lại, thổ nhưỡng lại phù hợp với một số nông sản lợi thế như cây mì, mía, thuốc lá, đậu các loại… Hơn nữa, Krông Pa có quốc lộ 25 góp phần quan trọng vào việc giao thương hàng hóa từ Phú Yên lên và các huyện, thị xã lân cận của tỉnh (Phú Thiện, Ayun Pa) xuống. Việc định hướng xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, chế biến phân bón… không những góp phần vào việc thu mua nông sản của nông dân trong vùng mà còn hạn chế tình trạng chèn ép giá nông sản đối với nông dân. Hơn nữa, việc đầu tư các nhà máy trên địa bàn ngoài thu hút lực lượng lao động tại chỗ còn là động lực thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch tỷ lệ nông-lâm nghiệp sang công nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
 
Ngoài những nỗ lực đã đạt được, theo ông Tô Văn Chánh- Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, trong tương lai gần, để quy hoạch phát triển công nghiệp gắn với chế biến ở vùng nguyên liệu nông sản, huyện đã và đang tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư với nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và thương mại trên địa bàn, ưu tiên các trường hợp đầu tư vào Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp của huyện.

Theo Báo Gia Lai