Khơi thông nguồn vốn cho các dự án trồng cao su

05/07/2011 07:13 AM


Cao su là cây công nghiệp dài ngày phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cao nguyên, trong đó có Gia Lai. Chính vì lợi thế này mà trải theo thời gian, cây cao su ngày càng phát triển và khẳng định tầm quan trọng của mình trên mảnh đất bazan màu mỡ.

Cao su là cây công nghiệp dài ngày phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cao nguyên, trong đó có Gia Lai. Chính vì lợi thế này mà trải theo thời gian, cây cao su ngày càng phát triển và khẳng định tầm quan trọng của mình trên mảnh đất bazan màu mỡ.
 
 
Không chỉ phát triển, khai thác cao su trong nước, nhiều doanh nghiệp (DN) tỉnh Gia Lai còn mở rộng đầu tư sang các nước lân cận như Lào, Campuchia. Chu kỳ sinh trưởng, phát triển và khai thác cây cao su kéo dài nên tín dụng dành cho nó cũng là vốn dài hạn, hạn mức lại cao. Dĩ nhiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án cây cao su là rất lớn.
 
 
Ảnh: Huy Tịnh
Ảnh: Huy Tịnh
Đi đầu đầu tư cho cây cao su là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Gia Lai. Và khách hàng “ruột” của ngân hàng này không ai khác là các công ty thuộc Tổng Công ty 15 (Binh đoàn 15). Ngân hàng này cũng dành một lượng vốn rất lớn cho các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trên địa bàn Gia Lai. Hiện nay, dư nợ tín dụng cây cao su chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ của ngân hàng này, lên đến nhiều ngàn tỷ đồng. Trên  20 tổ chức tín dụng trên địa bàn đều ít nhiều tham gia đầu tư vốn cho dự án cây cao su hoặc liên quan. Tuy nhiên, vốn dành cho cây cao su của các ngân hàng đang phải giới hạn và đây là bài toán khó cho các DN kinh doanh cây cao su, dẫu rằng họ đã quan hệ với rất nhiều ngân hàng để được hỗ trợ một cách tích cực hơn.

 
 
Tại lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Công ty với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Gia Lai mới đây, ông Lê Đình Bửu- Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang cho biết, Công ty ông đang rất khan vốn, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh không thể đình trệ. Không chỉ có vậy, hiện 11 dự án của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Campuchia chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng trong nước, mà chủ yếu là vốn tự có của DN. Hiện Công ty có trên 7 ngàn ha cao su đang trong thời kỳ khai thác. Công ty còn có các dự án ở Chư Mo Ray- Sa Thầy (Kon Tum) với 4.500 ha (2 năm qua đã trồng được trên 2 ngàn ha) và dự án ở Campuchia.
 
 
Dự án của công ty con bên Campuchia với việc trồng mới 7 ngàn ha cao su tại huyện Van Xây- tỉnh Rattanakiri đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu, thời gian thực hiện lại gấp gáp, hiện đã trồng trên 2 ngàn ha, nguồn vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Công ty cũng vừa khảo sát và được chấp thuận đầu tư một dự án khác tại huyện biên giới Ozadao- tỉnh Rattanakiri (Campuchia) sát với Gia Lai với diện tích 5 ngàn ha. Không chỉ thế, theo kế hoạch Công ty có đến 3 ngàn ha cao su cho năng suất, hiệu quả, chất lượng thấp buộc phải thanh lý để trồng mới, theo kế hoạch sẽ hoàn tất vào năm 2015 và cần đến trên 250 tỷ đồng.
 
 
Tuy nhiên, do biến động giá mủ cao su và lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng lên đến 21-22% nên không chỉ dự án này mà nhiều dự án khác của Công ty cũng buộc phải kéo dài hoặc triển khai chậm chạp. Việc ký kết hợp tác, trực tiếp là sắp tới Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT dành một khoản tín dụng nhất định sẽ giúp “hóa giải” phần nào khó khăn mà Công ty đang đối mặt. Đó là chưa kể các khoản đầu tư cho mục đích trật tự xã hội, chống mất cắp mủ, đảm bảo an sinh xã hội vùng dự án…
 
 
Phát triển cây cao su không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn nhằm tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi sản xuất theo hướng tích cực, ổn định trật tự xã hội, bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư tương xứng cho các dự án liên quan đến cây cao su rất cần được khai thông không chỉ có định hướng, chính sách chung mà còn trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Theo Báo Gia Lai