Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

01/07/2011 01:37 PM


Sáng 30-6, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), của Đảng, đồng chí Phạm Đình Thu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Ksor Keng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Sáng 30-6, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), của Đảng, đồng chí Phạm Đình Thu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Ksor Keng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.
 
 
Ảnh: Nguyễn Dung
Ảnh: Nguyễn Dung
Với sự tham gia của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; lãnh đạo các cơ quan khối nội chính của tỉnh; các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XIV; Trưởng, Phó phòng cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Phó Bí thư Thường trực và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra các Huyện, Thị, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc. Đến dự Hội nghị còn có các đồng chí: Hà Sơn Nhin-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phan Điền-Vụ phó Vụ 5 Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
 
 
Sau khi nghe đồng chí Ksor Keng báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) trên địa bàn tỉnh ta, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những mặt được và chưa được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời nêu lên những vướng mắc, tồn tại trong công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở. Nhiều đại biểu cho rằng việc thực hiện công tác giám sát rất lúng túng, còn mang tính hình thức và na ná như kiểm tra; công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật và Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy còn nhiều hạn chế; việc kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, nhất là các chức danh lãnh đạo rất khó...
 
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Đình Thu nhấn mạnh: Mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát là xây dựng tổ chức đảng ngày càng vững mạnh hơn, trong sạch hơn để nhân dân tin cậy hơn, tạo sự đồng thuận cao hơn. Do đó, cấp ủy các cấp cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên để mọi người hiểu đúng về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và coi đây là việc làm thường xuyên; đồng thời chủ động đảm bảo biên chế, kinh phí, trang-thiết bị cho cơ quan chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đối với Ủy ban Kiểm tra các cấp cần chủ động và quyết liệt hơn trong việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của mình và thường xuyên báo cáo kết luận với cấp ủy.
 
 
Trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thái độ của cán bộ kiểm tra phải đúng mực, tránh áp đặt, nặng nề, làm thế nào để người được kiểm tra tự giác nhận ra khuyết điểm mà sửa chữa; đồng thời khắc phục tình trạng ngán ngại, nể nang và hiện tượng “nhẹ trên, nặng dưới”. Tăng cường hơn nữa việc giám sát các chương trình, chủ trương, nghị quyết lớn của Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy nhằm phát hiện những hạn chế tham mưu cho cấp ủy sửa chữa, khắc phục cho phù hợp thực tiễn và dễ dàng đi vào cuộc sống. Ủy ban Kiểm tra các cấp phải chủ động xây dựng chương trình kiểm tra tài chính hàng năm của cấp ủy nhằm phát hiện sớm những sai sót, những việc trái quy định để cấp ủy sửa chữa kịp thời, tránh những sai phạm lớn; đồng thời phát hiện những vấn đề lạc hậu về cơ chế, chính sách để đề nghị Trung ương sửa đổi cho phù hợp.
 
 

Theo Báo Gia Lai