Gia Lai: Triển khai các biện pháp phòng, tránh bệnh tay chân miệng

01/07/2011 07:53 AM


Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có những diễn biến phức tạp và gia tăng thành dịch tại nhiều địa phương trên cả nước. Riêng tại Gia Lai, từ khoảng đầu tháng 6 đến nay đã có 14 trường hợp bị mắc bệnh tay chân miệng nhập viện. Trước tình hình trên, các cơ quan chuyên môn đã triển khai biện pháp để ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có những diễn biến phức tạp và gia tăng thành dịch tại nhiều địa phương trên cả nước. Riêng tại Gia Lai, từ khoảng đầu tháng 6 đến nay đã có 14 trường hợp bị mắc bệnh tay chân miệng nhập viện. Trước tình hình trên, các cơ quan chuyên môn đã triển khai biện pháp để ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
 
 
Trường học và các trẻ em là đối tượng dễ lây bệnh. Ảnh: Nguyễn Huy
Trường học và các trẻ em là đối tượng dễ lây bệnh. Ảnh: Nguyễn Huy
Ông Phạm Quốc Bảo- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, vì vậy vệ sinh cá nhân là hết sức quan trọng và cần thiết, bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ. Đối với người lớn, cũng cần vệ sinh khi nấu ăn, tránh tập trung đông người, đặc biệt là nơi trẻ đã mắc bệnh. Các trường mẫu giáo nên sử dụng nước sát trùng, vệ sinh dụng cụ, đồ chơi và chất này sẽ được cấp nếu các đơn vị có nhu cầu cho việc phòng bệnh.
 
 
Nguyên nhân của bệnh tay chân miệng chủ yếu do loại virus EV 71 gây ra. Khi người bệnh có các dấu hiệu như: Mụn nước ở lưỡi, vòm miệng, gan bàn tay, gan bàn chân, thì đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để phát hiện và chữa trị kịp thời.
 
 
Để chủ động phòng-chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn, cán bộ tại Trung tâm hàng ngày tiến hành thu thập, nắm bắt tình hình tại các cơ sở y tế để có hướng xử lý dập dịch nếu xảy ra. Khuyến cáo với người dân vệ sinh thường xuyên cho trẻ cũng như giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ để phòng ngừa dịch bệnh, vì hiện nay chúng ta chưa có vắc xin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu-ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm.   
 
 
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là độ tuổi dưới 3 tuổi. Bệnh dễ lây và lây rất nhanh qua đường hô hấp. Bệnh lây từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ mắc bệnh. Bệnh hay phát tán và gia tăng ở nhóm trẻ trong các trường mầm non, ở nơi đông dân cư.
 
 
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, hệ thống y tế cơ sở trong cả nước đã phát hiện hơn 8.200 trường hợp mắc bệnh, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2010, trong đó có 29 ca tử vong. Tính riêng tuần đầu của tháng 6, đã có gần 1.200 ca mắc bệnh, trong đó 5 ca tử vong tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, triệu chứng ban đầu là sốt (có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39-40 độ) kèm đau họng, biếng ăn hoặc bỏ ăn; sau 1-2 ngày xuất hiện những nốt hồng ban đường kính vài mi-li-mét nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước. Ở miệng có dạng vết loét, thường ở phía trong miệng, ở trên lưỡi, tại vòm miệng hoặc ở lợi làm trẻ nuốt đau. Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay. Trẻ sơ sinh có thể có ban dạng sẩn vùng mông hoặc nơi quấn tã lót. Bóng nước này sẽ tự xẹp đi và tự khỏi sau 5-7 ngày…
 
 
Hiện các trẻ có dấu hiệu mắc bệnh này phần lớn được chuyển đến Khoa Lây-Bệnh viện Đa khoa tỉnh để theo dõi, cách ly và đưa ra hướng điều trị tích cực. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Từ đầu tháng 6 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 14 ca bệnh và các ca khi nhập viện được phân chia thành nhóm để điều trị. Các ca bệnh này chủ yếu đến từ các huyện và từ TP. Hồ Chí Minh về, bệnh vẫn chưa có dấu hiệu nặng và bùng phát thành dịch. Hiện Khoa Lây còn một bệnh nhi đang điều trị và sẽ xuất viện trong một vài ngày đến.

Theo Báo Gia Lai