Gia Lai: Kiên trì chống lạm phát

23/06/2011 08:45 AM


Tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2011 đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do giá hàng hóa trên thế giới tăng, giá cả hầu hết các mặt hàng trong nước ở mức cao... Đây chính là lúc nền kinh tế Việt Nam và từng doanh nghiệp (DN) phải chịu “đau” để tái cấu trúc lại theo hướng phát triển chiều sâu và hiệu quả hơn.

Tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2011 đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do giá hàng hóa trên thế giới tăng, giá cả hầu hết các mặt hàng trong nước ở mức cao... Đây chính là lúc nền kinh tế Việt Nam và từng doanh nghiệp (DN) phải chịu “đau” để tái cấu trúc lại theo hướng phát triển chiều sâu và hiệu quả hơn.
 
 
Chống lạm phát đang đi đúng hướng
 
 
Nền kinh tế cả nước cũng như Gia Lai đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất ngân hàng (NH) nhằm kiềm chế lạm phát cũng gây khó khăn nhất định cho các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ trong việc vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD). Nhập siêu đang có xu hướng tăng và cao hơn chỉ tiêu đề ra, trong khi tỷ giá và giá cả hàng hóa nhập khẩu diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến khả năng cải thiện cán cân thanh toán.
 
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nguy cơ lạm phát và việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều nước trên thế giới cùng với việc tăng giá dây chuyền và tăng giá do tâm lý sau khi có sự điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu trong nước tiếp tục làm tăng chi phí đầu vào sản xuất và tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng trong nước, thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn trước, gây khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường cũng như phát triển SXKD. Vì thế, nền kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng 6% hay 6,5% hay từng là 8% thì vẫn bị cho là tăng trưởng trong thế mất cân đối vĩ mô ngày càng gia tăng như thâm hụt ngân sách, nhập siêu, lạm phát..., tăng trưởng mà hiệu quả thấp với chi phí cao và kém bền vững. Trong bối cảnh này, tái cấu trúc nền kinh tế phải là yêu cầu số 1 và cấp bách. Tái cơ cấu nền kinh tế hay nói cách khác, thay đổi lại cách thức phân bổ nguồn lực trong xã hội để nền kinh tế có sức cạnh tranh tốt hơn và phát triển bền vững hơn.
 
 
Phải thừa nhận rằng, những biện pháp thắt chặt tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại tệ, ngoại hối như mới đây theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã và đang thu được kết quả bước đầu, có triển vọng đưa tình hình giá cả và hoạt động tài chính tiền tệ đi vào thế ổn định. Nếu điều hành hệ thống NH hoạt động tốt hơn nữa cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất nông-lâm-thủy sản thì đến cuối năm nay kinh tế Việt Nam mới có triển vọng thoát khỏi tình trạng lạm phát phi mã và mới tránh được một cuộc suy giảm như đã diễn ra mấy năm trước, qua đó từng bước khởi sắc và tăng trưởng bền vững vào những năm tới như tinh thần kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế năm 2011.
 
 
Các giải pháp trong những tháng cuối năm
 
 
Trước hết, bài học năm 2010 cho thấy, việc thiếu kiên nhẫn trong điều hành chính sách chống lạm phát: đầu năm thắt chặt, cuối năm nới lỏng đã để lại hệ quả cho những tháng đầu năm nay. Chúng ta phải kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Muốn vậy, tiếp tục điều hành chính sách thắt chặt tiền tệ linh hoạt, hợp lý để vừa giảm lượng cung tiền, vừa tạo điều kiện cho các DN tháo gỡ khó khăn, duy trì SXKD, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường. Một khi sản xuất trong nước đình trệ, nhập siêu sẽ càng cao hơn; lãi suất cao do một số NH nhỏ đầu tư nhiều và các lĩnh vực phi sản xuất-như thị trường nhà đất-nay bị khát vốn và tìm mọi cách tăng lãi suất đầu vào. Các NH khác sợ mất khách hàng cũng phải tăng theo. Để ổn định lãi suất cần có giải pháp đối với hệ thống NH thương mại: Kiểm tra và đặt một số NH vào diện kiểm soát đặc biệt, đồng thời can thiệp để đảm bảo thanh khoản và lành mạnh trong kinh doanh tiền tệ.
 
 
Riêng chính sách tiền tệ thắt chặt, việc áp dụng hạn mức tín dụng dưới 20% tại tất cả các NH là chưa hợp lý. Mức khống chế này không nên quy định chung cho tất cả các NH mà nên căn cứ vào quy mô hoạt động, cũng như chất lượng hoạt động của từng NH. Đặc biệt là cần phải xem xét dòng vốn của các NH vào SXKD nhiều hay vào lĩnh vực phi sản xuất là chính. Những NH đã đưa tới 80-90% vốn vào lĩnh vực SXKD, quy mô NH lớn, làm ăn hiệu quả thì NH Nhà nước nên xem xét nâng mức dư nợ lên. Còn NH có quy mô nhỏ, huy động với giá cao và phần lớn vốn đẩy vào lĩnh vực phi sản xuất thì phải hạ thấp hạn mức tín dụng xuống hơn nữa.
 
 
Thứ hai, tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính trong đầu tư công; nghiên cứu cụ thể hóa tiêu chí và các dự án cần cắt giảm trong chính sách tài khóa; cải tiến trong khâu thẩm định và ra quyết định đầu tư đảm bảo tính minh bạch, khách quan; kiên quyết thu hẹp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phi sản suất, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào các ngành sản xuất, đặc biệt là đầu tư đồng bộ vào tất cả các phân khúc của ngành nông-lâm-thủy sản… Đó được xem là những giải pháp tình thế, có ý nghĩa quan trọng và hữu hiệu bậc nhất có thể đưa nền kinh tế nước ta nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạm phát phi mã hiện nay.
 
 
Thứ ba, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong SXKD, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng, nhất là các khó khăn do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Có giải pháp, cam kết cụ thể cải thiện PCI; nhanh chóng kiểm tra, phân tích những bất cập làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư để rút kinh nghiệm và sớm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để cải thiện từng lĩnh vực, từng chỉ số.
 
 
Thứ tư, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt và là nguồn lực có hạn của địa phương, Nhà nước khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm. Xử lý rốt ráo và hợp lý các sai phạm đã và đang diễn ra; tránh mọi trường hợp sử dụng đất thuê lãng phí hoặc cho thuê lại để hưởng chênh lệch. Theo phản ánh chung của nhiều DN, Quyết định số 05/2011/QĐ-UBND ngày 13-4-2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc ban hành tỷ lệ phần trăm (%) đơn giá thuê đất trên địa bàn tỉnh, theo đó đối với đất thuê tại các phường thuộc TP. Pleiku thì đơn giá thuế đất được đánh đồng bằng hệ số 2,5% là vừa cao và vừa chưa thỏa đáng vì mức “sinh lời” của từng vị trí đất trong 1 phường cũng như giữa các phường thuộc TP. Pleiku là không giống nhau. Thực tế, đơn giá thuê đất cao hay thấp tùy thuộc vào phương án SXKD cụ thể của từng DN. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế- do cả nước đang dồn sức chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thiết nghĩ, DN cần tính toán các phương án để tiết giảm các chi phí đầu vào nhằm ổn định SXKD, phương án trả lại một phần đất thuê không hiệu quả cũng là lựa chọn mà DN cần tính đến, trước khi nghĩ đến những điều chỉnh từ phía các cơ quan có thẩm quyền.
 
 
Chính tình hình khó khăn hiện nay là cơ hội để cải cách mạnh mẽ, cơ cấu lại sản xuất, bộ máy, đổi mới cơ chế. Chúng ta đã làm được như vậy trong những năm đổi mới, bây giờ là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ hơn.

Theo Báo Gia Lai