Trồng cao su trên đất lâm nghiệp: Những vấn đề đặt ra

23/06/2011 08:43 AM


Thực hiện chủ trương trồng mới 50.000 ha cao su trên đất lâm nghiệp kém hiệu quả; cuối năm 2009, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 kèm theo đó ban hành quyết định phân bổ diện tích, địa điểm cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trồng cao su đến năm 2012.

Thực hiện chủ trương trồng mới 50.000 ha cao su trên đất lâm nghiệp kém hiệu quả; cuối năm 2009, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 kèm theo đó ban hành quyết định phân bổ diện tích, địa điểm cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trồng cao su đến năm 2012.
 
 
Theo đó, đã có 16 doanh nghiệp được phân bổ đất, tổng diện tích  47.036 ha. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên cơ sở diện tích phân bổ, các doanh nghiệp chủ động điều tra, khảo sát lập hồ sơ xin chuyển đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cao su theo đúng trình tự, thủ tục quy định có sự tham gia của các sở, ngành chức năng của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương.
 
 
Chuẩn bị cây giống cho vụ trồng mới. Ảnh: Đức Thụy
Chuẩn bị cây giống cho vụ trồng mới. Ảnh: Đức Thụy
Từ đầu năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp đã khai hoang gần 12.780 ha đất và tiến hành trồng mới gần 502 ha so với chỉ tiêu 12.000 ha đề ra. Ông Kpă Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Giống, phân bón, nhân công và các điều kiện khác được doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ. Vụ trồng mới thường bắt đầu từ tháng 7 nên chỉ tiêu năm 2011 trồng 12.000 ha sẽ đạt kế hoạch và nâng tổng diện tích cao su trồng trên đất lâm nghiệp từ năm 2008 đến năm 2011 đạt 22.564 ha. Diện tích cao su trồng mới giai đoạn 2008-2010 kết hợp với 4.000 ha cao su tiểu điền, diện tích cao su sẽ hình thành vùng chuyên canh cao su tổng diện tích 100.000 ha vào cuối năm 2011. Giai đoạn 2008-2010 tỷ lệ trồng mới cây cao su sống đạt 80-100%, đường kính gốc đạt từ 2-3 cm, chiều cao cây từ 1,2-3 mét.
 
 
Cùng với trồng mới, các doanh nghiệp đã từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng cơ sở, tuyển dụng lao động tại chỗ vào làm việc. Sơ bộ ước tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã hỗ trợ gần 11,975 tỷ đồng giúp địa phương xây nhà tình nghĩa, nhà rông, đóng góp các quỹ phúc lợi, phong trào của địa phương. Đầu tư 50 km đường giao thông, xây dựng cầu, điện chiếu sáng trong vùng dự án. Tuyển dụng 2.874 lao động làm việc dài hạn và thời vụ, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số chiếm 993 người. Đơn vị tuyển dụng lao động nhiều nhất là các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với 450 lao động, các công ty trực thuộc Tổng Công ty 15 (Binh đoàn 15) tuyển dụng 341 lao động.
 
 
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, một vài doanh nghiệp khai hoang nhầm sang đất nương rẫy đang canh tác của nhân dân, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Điển hình là vụ tranh chấp đất tại tiểu khu 923 thuộc địa bàn xã Ia Púch (huyện Chư Prông) giao cho Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức. Quy trình khai hoang, một số doanh nghiệp thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tổ chức họp dân, công khai cho dân biết chủ trương, dự án, dẫn đến việc nhân dân khiếu nại làm ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự nông thôn.
 
 
Việc khai thác, tận thu trữ lượng gỗ trên phần đất rừng nghèo được giao đã nảy sinh thực trạng hầu hết các doanh nghiệp bán hồ sơ khai thác, tận thu gỗ, củi hoặc bán cây đứng cho đơn vị khác. Các đơn vị mua lại lén khai thác trái phép gỗ ngoài khu vực diện tích cho phép khai hoang, rồi mang nhập vào lượng gỗ, củi khai thác hợp pháp. Đến thời điểm này, việc đầu tư hạ tầng cơ sở chưa được các doanh nghiệp tiến hành theo đúng cam kết; số lượng lao động được các doanh nghiệp tiếp nhận làm việc dài hạn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đạt thấp so với tổng số lao động cần tuyển dụng.
 
 
Lộ trình trồng cao su trên đất lâm nghiệp chuyển đổi còn đang tiếp tục. Vì vậy, giải quyết dứt điểm những tồn tại trong quá trình thực hiện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân từ phía cơ quan chức năng của tỉnh là hết sức cần thiết. UBND tỉnh đã có những giải pháp chỉ đạo cụ thể vấn đề này tại cuộc họp sơ kết công tác chuyển rừng nghèo sang trồng cao su mới đây. Các doanh nghiệp tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng quản lý tốt diện tích rừng được giao, hạn chế tình trạng nhân dân lấn chiếm đất làm nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ sở; tiếp nhận lao động; đảm bảo tiến độ khai hoang trồng mới cao su. Quản lý bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng khai thác gỗ trái phép… 

Theo Báo Gia Lai