Để chiêng không lạc điệu

23/06/2011 08:40 AM


Để có những âm thanh, giai điệu cuốn hút lòng người thì từng chiếc chiêng phải được chỉnh sửa một cách công phu và tỉ mỉ. Những nghệ nhân chỉnh chiêng đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật của cồng chiêng. Nghệ nhân Đinh Đi (làng Lợt, xã Nghĩa An, huyện Kbang, Gia Lai) vẫn đang từng ngày thổi hồn cho chiêng.

Để có những âm thanh, giai điệu cuốn hút lòng người thì từng chiếc chiêng phải được chỉnh sửa một cách công phu và tỉ mỉ. Những nghệ nhân chỉnh chiêng đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật của cồng chiêng. Nghệ nhân Đinh Đi (làng Lợt, xã Nghĩa An, huyện Kbang, Gia Lai) vẫn đang từng ngày thổi hồn cho chiêng.
 
 
Nghệ nhân Đinh Đi dạy chỉnh chiêng cho thanh niên trong làng. Ảnh: Đức Hải
Nghệ nhân Đinh Đi dạy chỉnh chiêng cho thanh niên trong làng. Ảnh: Đức Hải
Nghệ nhân Đinh Đi năm nay đã 80 tuổi và số năm ông làm công việc chỉnh chiêng đã bằng 3/4 tuổi đời của mình. Ông kể lại: “Cũng như bao thanh niên trong làng, từ nhỏ mình rất yêu thích cồng chiêng; vì nó là bản sắc văn hóa của dân tộc. Mỗi khi có tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên là bà con lại tập trung để chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống”.
 
 
Ông đã yêu thích và xem cồng chiêng là người bạn tâm giao của mình, ông  cho biết: Chiêng có 4 loại và mỗi loại được chia ra theo từng thước, tức là độ to nhỏ, nhiều ít của mỗi bộ. Loại lớn nhất là thước chín thì có 17 chiếc chiêng; còn loại nhỏ nhất là thước tư có 12 chiếc. Loại quý nhất là chiêng được đúc từ đồng đen mà đồng bào thường gọi là Sơ tang; với những chiếc chiêng này có âm vang rất xa và trong. Trong mỗi bộ chiêng cũng được chia ra làm 2 loại là chinh-tức là loại chiêng bằng, vai trò là để dẫn nhạc; còn loại có núm gọi là chiêng để hòa âm. 
 
 
Nhờ có năng khiếu âm nhạc nên qua chỉ dạy của những người già đi trước và luyện tập, ông đã hiểu được hết những âm thanh, vai trò của mỗi chiếc chiêng hay giai điệu của từng bài chiêng. Cũng nhờ đó mà ông học được việc chỉnh chiêng rất nhanh. Ông còn nhớ năm đó trong làng có nhờ một người ở tận huyện Mang Yang đến chỉnh chiêng, ông theo xem và chỉ trong 3 ngày “thỉnh giáo” từ người “thầy” bất đắc dĩ, ông đã thuần thục trong việc chỉnh chiêng. “Khi chỉnh chiêng thì phải chỉnh cái chinh trước, rồi mới đến chỉnh chiêng; mỗi chiếc chiêng là một nốt nhạc nên ta phải hiểu được vai trò của từng chiếc chiêng mới chỉnh đúng âm điệu của nó. Đối với người chỉnh chiêng, ngoài việc am hiểu về âm nhạc, tiết tấu, giai điệu thì đòi hỏi phải có tính kiên trì.
 
 
Đối với mỗi bộ chiêng, khi mới được đúc ra âm thanh không chuẩn và đòi hỏi phải chỉnh sửa lại gần như là toàn bộ. Theo ông Đi thì chỉnh chiêng khó nhất là chỉnh các chiêng lớn vì nó đóng vai trò dẫn nhạc và chỉnh chiêng nhỏ nhất vì nó phải hòa âm đồng đều cùng các chiêng lớn.
 
 
Từ tài năng, am hiểu và mong muốn lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, ông đã đi rất nhiều nơi không nhớ mình đã chỉnh được bao nhiêu bộ chiêng. Trong năm 2010, ông đã được ngành chuyên môn ở tỉnh mời đi dạy chỉnh chiêng cho những người ở các huyện khác. Ông chia sẻ: Mong muốn lớn nhất của tôi là làm thế nào càng ngày càng có nhiều người học được cách chỉnh chiêng để góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa và phát huy được giá trị nghệ thuật của cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và của người Bahnar trên địa bàn huyện nói riêng.

Theo Báo Gia Lai