Trồng nấm rơm cho thu nhập cao

02/06/2011 10:35 AM


Chư Pưh (Gia Lai)-một huyện được gọi là “vương quốc của hồ tiêu”, cà phê nên chuyện thiếu việc làm là rất ít. Song, khi giáo viên của Trung tâm Dạy nghề Chư Sê đến đặt vấn đề dạy nghề, nhiều bà con dân tộc Jrai ở đây lại rất mừng. Bởi sau mỗi vụ thu hoạch tiêu, cà phê bà con chưa biết tận dụng thời gian rảnh để làm gì có thêm thu nhập.

Chư Pưh (Gia Lai)-một huyện được gọi là “vương quốc của hồ tiêu”, cà phê nên chuyện thiếu việc làm là rất ít. Song, khi giáo viên của Trung tâm Dạy nghề Chư Sê đến đặt vấn đề dạy nghề, nhiều bà con dân tộc Jrai ở đây lại rất mừng. Bởi sau mỗi vụ thu hoạch tiêu, cà phê bà con chưa biết tận dụng thời gian rảnh để làm gì có thêm thu nhập.
 
 
Dạy nghề theo nhu cầu
 
 
Với mong muốn khai thác có hiệu quả tiềm năng trên chính mảnh đất của mình nên khi được giáo viên dạy nghề Trung tâm Dạy nghề Chư Sê giới thiệu, bà con đã chọn nghề trồng nấm rơm. Với nguyên liệu sẵn có là rơm, bà con không cần phải đốt sau mỗi vụ thu hoạch mà mang về nhà tận dụng trồng nấm vừa mang lại giá trị kinh tế vừa làm sạch môi trường.
 
 
Giáo viên Trung tâm Dạy nghề hướng dẫn nông dân cách trồng nấm rơm. Ảnh: Đinh Yến
Giáo viên Trung tâm Dạy nghề hướng dẫn nông dân cách trồng nấm rơm. Ảnh: Đinh Yến
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sắp xếp thời gian dạy nghề cho bà con vào 16 giờ đến 18 giờ-lúc bà con rảnh rỗi nhằm thu hút đông đảo học viên tham gia.
 
 
Khi lớp học nghề trồng nấm rơm của 29 nông dân xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) vừa kết thúc, nhiều nông dân áp dụng ngay. Chị Rơmah H’Thó, làng Tao Chor A, xã Ia Hrú khoe: “Mình đã trồng nấm theo đúng quy trình được học và đã thu được kết quả. Mẻ nấm đầu tiên này, mình đem một ít biếu bà con trong làng, còn lại đem bán. Hiện giá nấm rơm ngoài thị trường khoảng 100.000 đồng-120.000 đồng/kg, nên thu nhập cũng kha khá”.
 
 
Trưởng thôn Siu Arok, làng Tong Yong, xã Ia Hrú, cũng vui mừng không kém: “Kỹ thuật trồng nấm rơm rất dễ và đơn giản nữa. Chỉ cần mang rơm ngoài đồng về nhà, đào một cái hố bỏ rơm xuống, ngâm với nước vôi rồi che bạt phủ kín, khoảng nửa tháng sau bỏ bạt ra đổ nước vào rửa sạch rơm. Sau đó lấy rơm nhét chặt vào một khuôn gỗ, rồi rắc hạt giống và bột bắp lên. Sau khi bỏ khuôn gỗ ra phải thường xuyên tưới ẩm cho nấm, chỉ 10 ngày sau là nấm mọc. Nấm rơm không chỉ ăn rất ngon mà giá bán cũng khá cao. Tôi sẽ đem kinh nghiệm này để chỉ lại cho bà con trong làng cùng làm”.
 
 
Nâng cao chất lượng dạy nghề
 
 
Dạy nghề trồng nấm rơm cho nông dân của Trung tâm đã cho thấy hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Tâm-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) mong muốn: 90% chị em người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã sau khi hết mùa vụ đều rảnh rỗi. Qua lớp học nghề trồng nấm rơm, chị em đã áp dụng để sản xuất. Hơn nữa, nhiều chị có dự định sẽ làm chung và bán sản phẩm lấy kinh phí gây quỹ giúp những hội viên còn khó khăn phát triển kinh tế. Do đó, hy vọng Trung tâm Dạy nghề Chư Sê tiếp tục mở thêm nhiều lớp ở các làng khác để người dân áp dụng.
 
 
Ông Võ Đình Lộc- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Chư Sê cho biết: Trung tâm mới đi vào hoạt động được hơn một năm. Trước mắt, đang củng cố đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, trang-thiết bị để nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Hơn nữa, nhu cầu học nghề của nông dân ở địa phương rất lớn, vì thế, Trung tâm đang khảo sát, cố gắng chọn những nghề phù hợp gắn với đời sống của bà con để khi học xong có thể áp dụng được ngay.

Theo Báo Gia Lai