Gia Lai: Sẵn sàng ứng phó bão lũ

31/05/2011 07:23 AM


Mùa mưa bão 2011 mới chỉ bắt đầu nhưng những trận lốc xoáy và đợt xả lũ bất thường của các nhà máy thủy điện là nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống nhân dân trong vùng. Chủ động phòng- chống thiên tai bão lũ, hạn chế thiệt hại là một trong những biện pháp tối ưu hiện nay.

Mùa mưa bão 2011 mới chỉ bắt đầu nhưng những trận lốc xoáy và đợt xả lũ bất thường của các nhà máy thủy điện là nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống nhân dân trong vùng. Chủ động phòng- chống thiên tai bão lũ, hạn chế thiệt hại là một trong những biện pháp tối ưu hiện nay.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa bão năm nay sẽ rất thất thường và khó lường. Mùa mưa chính thức bắt đầu từ ngày 7-5-2011, sớm hơn so với quy luật nhiều năm từ 7 đến 10 ngày. Lượng mưa năm nay dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, mưa lớn tập trung từ tháng 8 đến tháng 10, khu vực các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai từ tháng 11 đến tháng 12. Đặc biệt, nhiều khả năng sẽ xuất hiện từ 5 đến 7 trận lũ với đỉnh dao động ở mức báo động cấp 2 và 3, cá biệt một số nơi lũ sẽ vượt báo động 3 và cao hơn đỉnh lũ những năm trước đây rất nhiều.
 
 
Mưa lũ gây ách tắc giao thông. Ảnh: Nguyễn Diệp
Mưa lũ gây ách tắc giao thông. Ảnh: Nguyễn Hồng
Biểu hiện cho sự khác thường này đã xuất hiện trong những ngày đầu tháng 5 khi trên địa bàn toàn tỉnh xuất hiện nhiều trận mưa lớn, với lượng mưa đo được  từ 150 mm đến 200 mm. Mưa đã giải quyết được phần nào tình trạng khô hạn thiếu nước sinh hoạt kéo dài từ nhiều tháng qua. Song, mưa lớn kèm theo gió mạnh đã gây ra một số trận lốc xoáy tại các huyện: Ia Grai, Krông Pa, Chư Prông, Kbang gây thiệt hại về tài sản cho người dân.
 
 
Nghiêm trọng hơn, đợt xả lũ bất thường của Nhà máy Thủy điện An Khê- Ka Nak trong những ngày cuối tháng 5 gây thiệt hại trên 14 tỷ đồng cho người  dân tại các xã Nghĩa An, Cửu An của huyện Kbang. Từ đầu tháng 5 đến nay, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống lụt bão (BCHPCLB) đã kiểm tra khoanh vùng các huyện có nguy cơ bị lốc xoáy, sạt lở đất, lũ quét như: Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Pah, các vùng hạ lưu vùng trũng thường xuyên bị ngập úng như Phú Thiện, Ia Pa… để có những giải pháp ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
 
 
Ông Nguyễn Văn Lương- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi- Thường trực BCHPCLB tỉnh cho biết: Để chủ động PCLB trong mùa mưa năm nay, thời gian qua BCHPCLB kiểm tra đôn đốc  các địa phương khẩn trương kiện toàn lại BCHPCLB các huyện. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện thực hiện việc xả lũ an toàn, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để vượt lũ an toàn…, phối-kết hợp với  Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (thường trực tìm kiếm cứu nạn) xây dựng phương án bố trí, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng vùng, chủ động lực lượng chủ lực trong công tác tìm kiếm cứu nạn khi có bão lũ xảy ra. Bên cạnh đó, rà soát các phương tiện, vật tư như áo phao, ca nô, xuồng cao tốc, nhà bạt… đảm bảo một cách tốt nhất khi có mưa lũ xảy ra bất thường.
 
 
Mới đây, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 13/CT-UBND (ngày 17-5-2011) và Công văn số 1465 ngày 25-5 về việc triển khai các biện pháp phòng-chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 2011.

Theo Báo Gia Lai