Gian lận trong kinh doanh xăng dầu: Khi nào chấm dứt?

25/05/2011 07:21 AM


Liên tục các năm qua, cứ mỗi lần kiểm tra kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, Quản lý Thị trường (QLTT) lại phát hiện một vài thủ đoạn gian lận mới, ngày càng tinh vi. Lần kiểm tra mới đây có doanh nghiệp bị phạt, truy thu tổng số tiền gần 300 triệu đồng vì gian lận, song để chấm dứt việc đong đếm thiếu xăng dầu cho khách hàng là rất khó...

Liên tục các năm qua, cứ mỗi lần kiểm tra kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, Quản lý Thị trường (QLTT) lại phát hiện một vài thủ đoạn gian lận mới, ngày càng tinh vi. Lần kiểm tra mới đây có doanh nghiệp bị phạt, truy thu tổng số tiền gần 300 triệu đồng vì gian lận, song để chấm dứt việc đong đếm thiếu xăng dầu cho khách hàng là rất khó...
 
 
Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Gia Lai về việc kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, từ ngày 5-4 đến 20-5, Đoàn kiểm tra liên ngành do QLTT chủ trì đã kiểm tra 29 cơ sở kinh doanh xăng dầu. Trong số này có đến 12 cơ sở vi phạm, hành vi thường gặp là sử dụng phương tiện đo sai, không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường; làm thay đổi tình trạng kỹ thuật đặc tính đo lường của phương tiện đo, sử dụng phương tiện đo hết hạn kiểm định, không niêm yết giá đúng quy định…
 
 
Ông Đinh Văn Hà chỉ những thiết bị gian lận trong bán xăng dầu. Ảnh: Huỳnh Kiên
Ông Đinh Văn Hà chỉ những thiết bị gian lận trong bán xăng dầu. Ảnh: Huỳnh Kiên
Lúc 10 giờ ngày 8-4, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Cầu Bung ở thôn Hưng Phú, xã Chư Drăng (huyện Krông Pa) do ông Nguyễn Văn Miền làm chủ doanh nghiệp. Kiểm tra đo lường tại 2 cột đo nhiên liệu, kết quả thật “lạ”. Tại cột xăng A92 sản xuất tại Việt Nam, đều có tem và giấy chứng nhận kiểm định giá trị đến ngày 12-5-2011 sai số đến 5,5% lượng xăng bán ra thiếu của khách hàng. Thế nhưng khi tắt nguồn điện khởi động lại thì cột bơm xăng này có sai số chỉ còn 0,2% đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường (cho phép sai số 0,5%).
 
 
Tại cột dầu Diezel kết quả cũng có sai số 5,5% lượng dầu thiếu của khách hàng. Ngược lại khi tắt nguồn điện và khởi động bơm lại, lượng dầu chỉ thiếu 0,4%. Như vậy, nhiều khả năng chủ doanh nghiệp sử dụng phần mềm cài đặt chương trình đo đếm không chính xác, chỉ cần cúp nguồn điện khởi động lại là phần mềm cũ bị xóa, trụ bơm thực hiện bơm đủ xăng dầu cho khách hàng.
 
 
Doanh nghiệp này còn sai phạm khác như kinh doanh xăng dầu thuộc danh mục bình ổn giá nhưng không thực hiện niêm yết giá bán, sử dụng sai logo biển hiệu… Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính DNTN Cầu Bung 38 triệu đồng, truy thu về ngân sách nhà nước 246.777.084 đồng do thu lời bất chính mà có trong gần 1 năm qua, đồng thời tịch thu 2 trụ bơm sai phạm.
 
 
Tại DNTN Đức Sang thôn 3, xã Ia Pia (huyện Chư Prông) do ông Nguyễn Văn Du làm chủ doanh nghiệp, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng xác định doanh nghiệp đã làm thay đổi tình trạng kỹ thuật, đặc tính đo lường của phương tiện đo khiến sai số của trụ dầu Diezel là 4%. Đoàn kiểm tra liên ngành hiện đang tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 22,5 triệu đồng, tịch thu trụ bơm và truy thu hơn 56 triệu đồng do DNTN Đức Sang thu lời bất chính mà có.
 
 
Ông Đinh Văn Hà- Phó Trưởng phòng Pháp chế- Chi cục QLTT, người đã nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu các thủ đoạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu cho biết: Các cơ quan quản lý nhà nước luôn phải “chạy theo” các thủ đoạn gian lận trong các trụ bơm xăng dầu. Trên địa bàn tỉnh trong các năm qua thường gặp các thủ đoạn như cài chíp điện tử để bán thiếu, can thiệp vào thiết bị đo khiến máy báo kết quả đo sai, lập trình báo kết quả sai giữa lượng xăng dầu bơm cho khách hàng với số hiển thị trên đồng hồ…
 
 
Nhiều loại thiết bị được lập trình chỉ cần cắt nguồn điện khởi động lại là xóa hết dữ liệu cũ, bơm đúng, như trường hợp DNTN Cầu Bung nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra giám sát. Hiện nay một số cơ sở kinh doanh xăng dầu tinh quái hơn khi lập trình đúng đối với những lượng bơm xăng dầu trùng thiết bị đo lường như 1 lít, 2 lít, 5 lít, 10 lít, 20 lít. Ngoài những con số này lượng đong đều không đủ số lượng. Theo anh Hà, thường thì người mua hàng mua theo lượng tiền như 50.000 đồng, 170.000 đồng… chứ không ai mua 10 lít xăng, 20 lít xăng, lượng tiền tương đương lượng xăng có số lẻ nên dễ bị lập trình thiếu.
 
 
Mặc dù sai phạm phổ biến và thường xuyên, song đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào ở Gia Lai bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo ông Nguyễn Văn Tấn- Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục Trưởng Chi cục QLTT, do nhiều khó khăn vướng mắc trong các quy định về xử lý, đặc biệt là chưa có tổ chức cá nhân tiêu dùng nào đứng ra khởi kiện, tố cáo về những thiệt hại do việc mua hàng hóa thiếu gây ra.

Theo Báo Gia Lai